Để nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao thành công
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở mật độ cao sẽ gặp phải nhiều trở ngại như tôm chậm lớn, kích cỡ không đồng đều, dịch bệnh sẽ xảy ra. Do đó, đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc, vật tư cho ao nuôi.
Chuẩn bị ao nuôi
Điều kiện cần để nuôi mật đô cao nên trang bị đầy đủ hệ thống ao hồ nuôi như ao lắng lọc, ao xử lý nước, ao sẵn sàng, ao ương, ao nuôi, hệ thống lọc tuần hoàn, hệ thống quạt nước, hệ thống ôxy đáy, chất lượng thông số môi trường được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Ao nuôi phải đảm bảo đầy đủ các thiết bị cần thiết cho quá trình phát triển của tôm
Chuẩn bị ao nuôi có diện tích phù hợp, ao hình chữ nhật, đáy bùn cát, hệ thống cấp nước thuận lợi có thể chủ động về nguồn nước và vệ sinh. Tiến hành nạo vét vệ sinh đáy ao, lấp đầy các hang lỗ do sinh vật như cua,cáy…Phơi ao nuôi từ 7-10 ngày sau đó cấp nước vào ao sâu 6 cm (lọc kỹ loại bỏ tạo chất và cá nhỏ) rồi tiến hành bón phân tổng hợp, vi sinh trước 10 ngày để gây thức ăn tự nhiên cho tôm. Duy trì nước ao có màu vàng lục, độ trong 26 – 30 cm. Tạo dựng ao nuôi có hệ thống ôxy cho đáy, lắp đặt hệ thống quạt nước ở các vị trí thích hợp.
Trước khi thả tôm cần phải tẩy dọn sạch sẽ, sát trùng kỹ ao nuôi và bón phân gây màu nước cho ao nuôi. Điều chỉnh pH dao động từ 7 – 8,5, độ kiềm 100 – 150 mg/lít, khi thấy điều kiện ao đã phù hợp với các chỉ tiêu trên thì mới có thể tiến hành thả giống.
Con giống
Nuôi tôm mật độ cao, con giống có nguồn gốc, cần được kiểm tra PCR các bệnh nguy hiểm. Áp dụng quy trình nuôi tôm phù hợp, ứng dụng các quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, công nghệ nuôi tôm trong nhà kính, nuôi tôm công nghệ Biof loc, nuôi tôm sử dụng vi sinh, không dùng hóa chất.
Chọn tôm giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Thông thường, mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng phụ thuộc vào điều kiện ao, độ sâu và hình thức nuôi, mỗi mô hình nuôi đều có mật độ thả khác nhau cho nên tùy thuộc vào tình hình ao nuôi mà lựa chọn mật độ thả khác nhau để tránh tình trạng tôm chậm lớn và dịch bệnh bùng phát.
Ao sâu dưới 1 m đối với mô hình nuôi bán thâm canh thì nên thả mật độ từ 10-15 con/m2; Ao sâu trên 1,2 m đối với mô hình thâm canh thả với mật độ từ 45 – 60 con/m2.
Trong trường hợp thả tôm với mật độ cao, ao sâu trên 1,4 m trở lên đối với hình thức nuôi siêu thâm canh có thể nuôi tôm ở mật độ cao từ 200 – 250 con/m2.
Tôm khi chuyển về cần phải được kiểm dịch và điều chỉnh độ mặn, pH giữa túi đựng và ao nuôi. Để tôm trong túi đựng khoảng 30 phút dưới ao để tôm thích nghi với nhiệt độ môi trường rồi mới thả ra từ từ. Sau khi thả nuôi, cần phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố như độ mặn, pH, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước để có thể điều chỉnh kịp thời. Lắp đặt hệ thống quạt nước và cho chạy 24/24h từ tháng thứ 2 trở đi.
Quản lý chất lượng nước
Trong 25 ngày đầu không thay nước để đảm bảo tôm phát triển ổn định với mực sâu khoảng 80-120 cm. Từ ngày 26-65 cho thêm nước vào ao nuôi, giữ mực nước sâu khoảng 120 – 150 cm. Luôn giữ màu nước ổn định, đảm bảo thời gian quạt nước phải đảm bảo 24/24h khi nuôi từ tháng thứ 2 đến khi thu hoạch.
Chủ động san, chuyển tôm sang ao nuôi mới, tạo môi trường mới hỗ trợ tôm tăng trưởng tốt. Kích thích tôm lột xác thông qua biện pháp thay nước mới, bón chế phẩm sinh học, Rotenone, thuốc tím… Hỗ trợ đầy đủ canxi, phospho, Vitamin C sau khi tôm lột xác.
Cho tôm ăn
Sử dụng thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm, thành phần thức ăn phù hợp với tưng giai đoạn ương nuôi, phù hợp trong lượng và kích thước tôm. Thức ăn cho tôm cần phải đảm bảo chất lượng, đủ chất dinh dưỡng và mua ở những địa chỉ uy tín để giúp tôm sinh trưởng và phát triển đều đặn. Đặc biệt, cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát theo đúng quy định.
Trong giai đoạn đầu khi mới thả, nên cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp loại nhỏ sau đó tăng dần kích cỡ, chia đều lượng thức ăn cho tôm ăn 1 ngày 4 lần vào thời điểm: 10h sáng, 2h chiều, 7h tối và 23h đêm. Trong giai đoạn cuối vụ, cho tôm ăn 5 lần/ngày vào các thời điểm: 7h sáng, 11h trưa, 15h chiều, 19h tối và 23h đêm.
Bổ sung dinh dưỡng, cải thiện tiêu hóa, ổn định hệ tiêu hóa như gan tuỵ, đường ruột. Bổ sung các axit amin thiết yếu, các enzyme hỗ trợ tiêu hóa, các axit béo, chất hỗ trợ gan, vi sinh có lợi. Bổ sung probiotic, prebiotic, synbiotic, vitamnin vào khẩu phần thức ăn giúp tôm tăng sức đề kháng, tiêu hóa tốt, tăng trưởng nhanh.
Một số lưu ý
Một vấn đề thường gặp khi nuôi tôm mật độ cao chính là lượng chất thải ra môi trường và việc kiểm soát chất thải, sẽ tác động đến khả năng chịu tải của môi trường ở nhiều mức độ gây ra những ảnh hưởng khác nhau. Nhiều nghiên cứu về chất thải lắng đọng trong ao nuôi tôm đã ghi nhận, khoảng 92% nitơ và 94,5% phospho có trong ao nuôi là từ thức ăn, chưa kể các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn mà tôm không hấp thu được sẽ tồn tại trong đáy ao dưới dạng chung mùn bã hữu cơ.
Chất lượng nước nuôi giảm thấp, kém dần theo mức tăng mật độ nuôi. Khả năng đề kháng của tôm giảm, dịch bệnh tôm nuôi tăng, khi mật độ thả nuôi tăng cao. Chi phí sản xuất tăng, khi mật độ nuôi tăng. Kích cỡ tôm thu hoạch giảm dần, khi mật độ nuôi tăng dần, trong cùng thời gian nuôi. Giá trị và chất lượng tôm thương phẩm giảm, khi mật độ nuôi tăng, do nhiều vết thương, vết thẹo trên cơ thể tôm.
Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao hay siêu thâm canh, thả nuôi mật độ cao, nhằm hướng đến cải thiện năng suất nuôi (kg/ m3). Tuy nhiên, để thả nuôi mật độ cao để mang lại hiệu quả sau cùng cần giảm thiểu tối đa những tác động đã đề cập trên.
Kỹ thuật nuôi luôn là điều kiện tiên quyết và có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn trong chăn nuôi, bất kể loại vật nuôi gì, kỹ thuật nuôi quyết đinh 70% sự thành công và hiệu quả của người nuôi. Nuôi tôm ở mật độ cao đúng kỹ thuật, giúp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả, tôm mau lớn, tránh được những tác động xấu từ môi trường.
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn