Đến năm 2030, Hà Tĩnh có trên 2.500 ha đất trồng trọt hữu cơ
BND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1216/QĐ-UBND, ngày 15/5/2024, về việc phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030”.
Theo đó, mục tiêu tổng quát được đưa ra là Hà Tĩnh phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao năng lực, khả năng tổ chức sản xuất, sức cạnh tranh trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn và tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp.
Vũ Quang hiện có gần 80 ha cam/7 tổ hợp tác được công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển sản xuất và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến hữu cơ tiên tiến, hiện đại để kiểm soát tốt các nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ của toàn tỉnh đạt khoảng 2,0 - 2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2,0% tổng diện tích trồng trọt với các cây trồng chủ lực lúa, rau các loại, cây ăn quả,... quy mô 2.500 ha.
Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ khoảng 2% trên tổng sản phẩm chăn nuôi với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế: mật ong, nhung hươu, thịt các loại (lợn, bò, dê, gia cầm…)
Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ: nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 2-3% tổng diện tích nuôi tôm với sản phẩm chủ yếu là tôm sú. Nâng cao hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích; giá trị sản phẩm trên 1,0 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,7 - 2 lần so với phi hữu cơ.
Huyện Cẩm Xuyên tập trung phát triển sản xuất lúa hữu cơ.
Để thực hiện được mục tiêu này, đề án đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ: lựa chọn vùng, đối tượng để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị làm nơi tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân ra diện rộng; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hình thành hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng hệ thống kiểm soát chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Đề án cũng tập trung triển khai nhóm giải pháp như: đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để làm chuyển biến căn bản nhận thức của cả hệ thống về nông nghiệp hữu cơ; đầu tư hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm phù hợp; tăng cường quản lý nhà nước về nông nghiệp hữu cơ; giải pháp về cơ chế chính sách.