Định hướng kích cầu tiêu dùng vào sản phẩm OCOP

Chia sẻ:

Một số đơn vị sản xuất kinh doanh đã đổi mới sáng tạo, hướng kích cầu tiêu dùng vào nhóm hàng trọng điểm; trong đó có sản phẩm OCOP.

Các chương trình khuyến mãi, giảm giá luôn được đánh giá là giải pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết nhà bán lẻ đều luân phiên “chạy” chương trình khuyến mãi, giảm giá thì một số đơn vị sản xuất kinh doanh đã đổi mới sáng tạo, hướng kích cầu tiêu dùng vào nhóm hàng trọng điểm; trong đó có sản phẩm OCOP.

Đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình “Đồng hành cùng OCOP – tôn vinh nông sản Việt”. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình “Đồng hành cùng OCOP – tôn vinh nông sản Việt”. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Cụ thể, từ ngày 6/7/2024, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) phối hợp cùng nhiều đơn vị khác tổ chức chương trình “Đồng hành cùng OCOP – tôn vinh nông sản Việt”. Đây là chương trình kích cầu tiêu dùng tập trung vào nhóm hàng trọng điểm và đưa sản phẩm OCOP ra thị trường, mang lại cơ hội cho người tiêu dùng mua sắm sản vật địa phương của nhiều tỉnh, thành khắp cả nước.

Chương trình giới thiệu, quảng bá, dùng thử… hơn 500 sản phẩm OCOP, gồm các mặt hàng đến từ đơn vị sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên toàn quốc như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Quốc – Kiên Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên… Những sản phẩm tham gia chương trình, đều là mặt hàng đặc trưng vùng miền, có chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, bánh tráng Tây Ninh, cá dứa Cần Giờ, yến sào Khánh Hòa, bơ Đắk Lắk, cà chua – cà rốt – khoai tây - ớt chuông – xà lách Đà Lạt, nhãn xuồng, sầu riêng, chôm chôm, rau xanh các loại…

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Võ Trần Ngọc – Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op cho biết, chương trình “Đồng hành cùng OCOP – tôn vinh nông sản Việt” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Quốc tế hợp tác xã, đồng thời thiết thực kỷ niệm 35 năm thành lập Saigon Co.op – Ngôi sao HTX Việt Nam. Đặc biệt, là hợp tác xã tiêu biểu hàng đầu trên cả nước, với hệ thống mạng lưới điểm bán trải rộng khắp 43/63 tỉnh thành cả nước, nên Saigon Co.op cũng là một trong những là cầu nối quan trọng đưa sản phẩm, nông sản OCOP đến với người tiêu dùng bằng hàng loạt chương trình ưu đãi thiết thực.

Khu vực giới thiệu sản phẩm OCOP tại siêu thị Co.opmart, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Khu vực giới thiệu sản phẩm OCOP tại siêu thị Co.opmart, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Bên cạnh đó, Saigon Co.op luôn tiên phong nỗ lực triển khai và hiện thực hóa chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 đã được Chính phủ phê duyệt với trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, với nhiều hoạt động truyền thông cho sản phẩm OCOP thông qua chương trình khuyến mãi giảm giá, tuần lễ quảng bá, trưng bày sản phẩm ở khu vực riêng tại từng điểm bán trực tiếp, Saigon Co.op là cánh tay nối dài đưa sản phẩm OCOP tiếp cận khách hàng và du khách.

Ghi nhận thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, ngày càng nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh chủ động và tích cực tăng mức độ nhận diện của sản phẩm OCOP trên thị trường. Ngoài ra, nhóm hàng OCOP tăng trưởng nhanh chóng về chủng loại trong hệ thống phân phối, bán lẻ hiện đại đang góp phần hiện thực hóa quá trình kết nối giao thương giữa các địa phương nói chung; nhà phân phối, bán lẻ và đơn vị sản xuất kinh doanh nói riêng.

Hơn thế nữa, sản phẩm OCOP kinh doanh tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đều đạt chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao, cũng như đảm bảo chất lượng hàng hóa theo nhiều tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Một số sản phẩm OCOP còn được chọn lựa và phát triển trở thành hàng nhãn riêng mang thương hiệu bán lẻ nội địa và quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Thủy - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu A Tuấn Khang (Công ty A Tuấn Khang) chia sẻ, trong doanh mục khoảng 26 sản phẩm của công ty thì có 13 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Tất cả sản phẩm OCOP của công ty cũng đã được phân phối, bán lẻ vào nhiều hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ… ở thị trường nội địa.

Bà Trần Thị Thu Thủy cũng cho biết thêm, sản phẩm muốn đạt chứng OCOP phải đảm bảo là mặt hàng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định từ khâu vùng nguyên vật liệu cho đến sản phẩm thành phẩm đưa ra thị trường. Trong thời gian tới, Công ty A Tuấn Khang sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP nên đang triển khai chiến lược phát triển mở rộng chuỗi cung ứng như xây dựng vùng nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn.

Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua sản phẩm OCOP. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua sản phẩm OCOP. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Trong khi đó, ông Lê Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả lâu năm Tân Mỹ chỉ ra rằng, với bối cảnh thị trường tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thì chứng nhận OCOP là “bảo chứng” cho đơn vị sản xuất kinh doanh chinh phục người tiêu dùng thông minh. Ngược lại, chứng nhận OCOP giúp đơn vị sản xuất kinh doanh tái cấu trúc vùng nguyên liệu nuôi trồng và đưa ra thị trường đa dạng chủng loại đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo ông Lê Minh Sang, tính đến nay chứng nhận OCOP không chỉ phát huy được giá trị trên đối với cả đơn vị sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng, mà còn góp phần định hướng thị trường tiêu dùng sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng. Qua đó, thị trường tiêu dùng sẽ từng bước được loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.

Trong những năm qua, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành một điểm sáng trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam. Qua nhiều năm thực hiện thì đến nay chương trình đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, nhờ đó nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được nâng tầm, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Một số chuyên gia cũng đánh giá, chương trình OCOP không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua những sản phẩm truyền thống vùng miền. Ngoài ra, OCOP đã từng bước trở thành thương hiệu, không chỉ là sản phẩm mang tính đặc trưng của Việt Nam, được sản xuất và phân phối bởi doanh nghiệp Việt, mà còn là câu chuyện về sự đoàn kết và sáng tạo của người Việt.