Đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Thuận Nam năm 2024: Chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho vùng đồng bào
Hiện nay, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh nói chung và Hàm Thuận Nam nói riêng chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, với đồng bào ở xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh bà con chủ yếu trồng bắp, mỳ và lúa... Thời gian qua, nhờ được chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, năng lực sản xuất của đồng bào tăng lên đáng kể, bộ mặt xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc.
Năng suất cây trồng tăng
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, tại địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Một trong những điểm nhấn có thể nhắc đến là sản xuất nông nghiệp phát triển dần ổn định, nhất là việc tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đồng bào áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất cây trồng tăng. Từ đó đã thúc đẩy kinh tế phát triển, hộ cận nghèo, đời sống của đại bộ phận đồng bào DTTS từng bước được cải thiện.
Đồng bào xã Hàm Cần chăm sóc bắp. Ảnh: N.Lân
Hộ anh Mang Văn Dương ở thôn 1, xã Hàm Cần hiện nay đang là đại diện cửa hàng đại lý thôn 1, tham gia vào chuỗi cửa hàng, đại lý cho Trung tâm dịch vụ miền núi. Anh Dương chia sẻ, bản thân thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức về thâm canh cây bắp lai và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, có thêm kiến thức hướng dẫn bà con nắm bắt kỹ thuật trồng, thâm canh cây bắp lai mang lại hiệu quả cao trong sản xuất...
Chăn nuôi bò ở Hàm Cần (ảnh N. Lân).
UBND huyện Hàm Thuận Nam đánh giá, đến nay đời sống kinh tế của đồng bào DTTS vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người của 2 xã thuần đồng bào DTTS tuy thấp hơn bình quân chung của huyện, nhưng cao hơn thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân DTTS toàn tỉnh (17 xã thuần) là 21,07 triệu đồng/người/năm, trong khi đó trong năm xã Hàm Cần là 44,124 triệu đồng/người/năm, xã Mỹ Thạnh 37,224 triệu đồng/người/năm.
Riêng xã Hàm Cần có trên 2.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng bắp lai, mì, lúa và một số loại cây ngắn ngày khác. Đối với chăn nuôi, các hộ dân chủ yếu là chăn nuôi dê, bò, heo và gia cầm, quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ. Được sự quan tâm của các ngành, các cấp tập trung hỗ trợ từ các chương trình như Chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, trong đó tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS như áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây trồng, chăm sóc vật nuôi, chuyển đổi giống cây trồng – vật nuôi, chương trình đầu tư ứng trước...
Đồng bào thu hoạch bắp (ảnh N. Lân).
Thay đổi dần tập quán canh tác ở Hàm Cần
Trong những năm qua UBND xã Hàm Cần và ngành nông nghiệp huyện, tỉnh đã có nhiều hoạt động phối hợp tích cực, vận động đồng bào thay đổi dần tập quán canh tác, từ truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Một trong những kết quả đó là tổ chức 18 mô hình trình diễn, 64 lớp tập huấn, hội thảo, tổng số 3.200 lượt người tham dự, với nội dung sát thực, hình thức chuyên đề phong phú như “kỹ thuật chăn nuôi bò, dê sinh sản”; “kỹ thuật gieo, chăm sóc lúa nước, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bắp lai, cây mì và cách phòng trừ sâu sâu keo mùa thu”; “kỹ thuật chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học”… Nhờ đó, đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và thay đổi dần tập quán canh tác cũ sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới làm tăng hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Bắp đạt năng suất cao nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (ảnh K.H).
Ngoài ra, các cây trồng chủ lực khác như bắp đều sử dụng giống lai đơn, cây mì và cây thanh long cũng được nông dân chú trọng. Kết quả ấy càng được thể hiện rõ nét khi sản phẩm các cây trồng này trong những năm qua đều được thu mua kịp thời, thị trường tiêu thụ rộng nên đem lại thu nhập, tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân yên tân đầu tư cho sản xuất.
Theo UBND xã Hàm Cần, bên cạnh những thuận lợi, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong nông nghiệp của các hộ dân trên địa bàn vẫn còn hạn chế. Thu nhập của hộ dân còn thấp so với các xã vùng đồng bằng. Nguồn vốn đầu tư trong nhân dân thấp, tuy có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhưng những mô hình đang còn nhỏ lẻ, chưa tập trung với quy mô lớn, chưa tạo ra được các sản phẩm giá trị, đặc trưng để cung ứng ra thị trường xuất khẩu...
Do đó, xã Hàm Cần đã đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhân rộng quy mô các mô hình có hiệu quả trong nông nghiệp. Đó là tiếp tục phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ, những mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả để nông dân áp dụng vào sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ… Tạo liên kết chuỗi giá trị, kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, cá nhân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn của của huyện, tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, hy vọng sản xuất nông nghiệp của xã Hàm Cần nói riêng và huyện Hàm Thuận Nam nói chung sẽ phát triển hơn.