Đồng Nai: Đặt mục tiêu phát triển 4.400 ha nông nghiệp hữu cơ
Đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai phấn đấu xây dựng thành công các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 4.400 hecta, đồng thời phát triển khoảng gần 10 mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản khép kín với từng ngành hàng.
Tỉnh Đồng Nai vừa triển khai đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn địa phương từ nay đến 2030.
Theo đó, đến năm 2025, địa phương này đặt mục tiêu xây dựng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn đạt khoảng 1.323 hecta (chiếm khoảng 0,5% diện tích đất trồng trọt toàn tỉnh). Trong đó, diện tích trồng trọt thuần hữu cơ khoảng 72 hecta và khoảng hơn 1.250 hecta trồng trọt theo hướng hữu cơ.
Song song đó, Đồng Nai cũng đặt mục tiêu đến 2025 sẽ phát triển chăn nuôi theo hường hữu cơ đối với đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Cụ thể sẽ phát triển chăn nuôi khoảng 290 con bò, 290 con dê, 1.700 con heo (lợn), 75.000 con gia cầm và 200 hecta nuôi hữu cơ các loại thủy sản (như tôm sú, cá chẽm, cua biển, hàu…).
Vùng bưởi Tân Triều sản xuất theo mô hình hữu cơ tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
Đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ nâng tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ lên mức 4.400 hecta (chiếm 2,13% diện tích trồng trọt toàn tỉnh); phát triển đàn gia súc, gia cầm và thủy sản chăn nuôi hữu cơ lần lượt lên mức: 1.030 con bò, 1.700 con dê, 10.200 con heo, 507.500 con gia cầm và 400 hecta chăn nuôi các loại thủy hải sản.
Ngoài ra, đến năm 2030 ở mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung, các địa phương tại Đồng Nai sẽ xây dựng và phát triển ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với từng ngành hàng, đảm bảo giá trị sản phẩm hữu cơ cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường.
Đối với các sản phẩm trồng trọt hữu cơ, tỉnh Đồng Nai tập trung phát triển nhiều nhất đối 7 loại cây trồng chủ lực. Bao gồm: lúa, rau màu, hồ tiêu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối và điều.
Các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ tập trung chủ yếu tại các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Trong khi đó, khu vực chăn nuôi thủy sản hữu cơ sẽ tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Tỉnh Đồng Nai cho biết, các vùng nông nghiệp hữu cơ phát triển theo đề án kể trên sẽ được địa phương ưu tiên hưởng các chính sách hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ xây dựng liênn kết tiêu thụ sản phẩm theo các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương này.