Đưa các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh vào kênh bán lẻ hiện đại

Chia sẻ:

Triển khai thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), tỉnh Hà Nam đã có hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có mặt tại các kênh bán lẻ hiện đại, được thị trường đón nhận.

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm qua, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản trong tỉnh diễn ra tương đối thuận lợi, ổn định. Sản phẩm của người dân sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Trung bình mỗi năm, tỉnh Hà Nam sản xuất xấp xỉ 400.000 tấn lúa, khoảng 180.000 tấn rau quả, trên 80.000 tấn thịt lợn hơi, khoảng 27.000 tấn gia cầm và 26.000 tấn thủy cầm. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 doanh nghiệp xay xát gạo quy mô lớn; 10 doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất rau, củ, quả với sản lượng lớn; khoảng 10 doanh nghiệp chế biến rau, củ, quả với sản lượng đạt trên 15.000 tấn/năm.

Đặc biệt, Hà Nam còn có 2 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam và Công ty TNHH Liên doanh thực phẩm Mavin (thị xã Duy Tiên) chuyên giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm từ thịt với sản lượng lớn, sẵn sàng cung ứng vào các siêu thị, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Hà Nam còn có 130 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Từ năm 2014 đến nay, trong tổng số 91 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, có 30 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm.

Sản lượng sản phẩm nông sản của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn mà còn được cung ứng ra thị trường các tỉnh, thành lân cận. Nhiều sản phẩm đã được đưa vào tiêu thụ tại các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích như: rau, củ sạch của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Phù Vân (Phủ Lý), Hợp tác xã Nông sản Cát Lại (Bình Lục), Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An (Lý Nhân); bún, phở khô của Hợp tác xã Bún phở khô Khánh Linh (Lý Nhân); các sản phẩm chế biến từ cá của Hợp tác xã Thủy sản sông trong ao Hải Đăng (Kim Bảng); bánh đa nem làng Chều (Lý Nhân); sữa của trang trại Mục Đồng và Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (Duy Tiên); cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân); bún, phở chùm ngây (Phủ Lý)…

 

Đóng gói hàng nông sản chế biến tại Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên). Ảnh: Thanh Bình

Đóng gói hàng nông sản chế biến tại Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên). Ảnh: Thanh Bình

Nhờ đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các kênh bán lẻ hiện đại nên đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh ngày càng ổn định hơn. Ông Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An cho biết: Những năm qua, được các ngành chức năng, chính quyền địp phương quan tâm, hỗ trợ, hợp tác xã đã tham gia nhiều hội chợ, hội nghị kết nối cung – cầu trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, cái tên “Nông sản sạch Bảo An” ngày càng được khách hàng biết đến. Tại các hội nghị kết nối cung – cầu, Bảo An đều ký kết biên ban ghi nhớ hợp tác với các nhà phân phối lớn trong cả nước. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được hiện thực hóa khi sản phẩm của Bảo An được đưa vào hệ thống các cửa hàng của siêu thị Winmart+, siêu thị GO!. Việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại đã giúp cho thương hiệu nông sản sạch Bảo An được nhiều người biết đến hơn. Từ đó, Bảo An ký kết được thêm các hợp đồng lớn cung cấp rau, củ cho các bếp ăn tập thể, doanh nghiệp, nhà trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Được biết, để đưa sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào các kênh bán lẻ hiện đại, hằng năm, Sở Công thương đều tổ chức các hội nghị kết nối cung – cầu, giới thiệu sản phẩm; hội nghị kết nối giao thương, hợp tác tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nam với các tỉnh, thành phố trên cả nước; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trên toàn quốc để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tại các hội nghị kết nối cung – cầu, doanh nghiệp không chỉ có cơ hội giới thiệu sản phẩm mà còn ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối lớn trong và ngoài tỉnh như siêu thị GO!, Winmart+, Coopmart, Lan Chi Mart…

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những năm qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hội nghị làm việc với các nhà phân phối lớn để giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản sạch, an toàn của tỉnh vào bày bán tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Riêng với siêu thị GO! Hà Nam, Sở đã kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đưa vào siêu thị khoảng 90 mặt hàng bao gồm sản phẩm ngành hàng sữa, mì, rau, củ, quả, cá, thịt như bún, phở chùm ngây; sữa Mộc Bắc, cá kho Nhân Hậu, rau sạch Bảo An…

Đứng ở góc độ nhà phân phối, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Siêu thị GO! Hà Nam cho biết: Là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp cả nước, GO! luôn chủ động đồng hành cùng với sở công thương các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Hà Nam, trong việc tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu, hỗ trợ phát triển, quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Hiện, đối với các sản phẩm đặc trưng của Hà Nam, siêu thị ưu tiên bố trí kệ hàng ở những vị trí trung tâm để khách hàng dễ quan sát và tìm mua hàng. Chúng tôi đã và sẽ luôn ưu tiên đưa vào phân phối các mặt hàng nông sản, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh khi sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng.

Trên thực tế, số lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của Hà Nam có mặt trong hệ thống kênh bán lẻ hiện đại vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân là do sản phẩm chưa đạt yêu cầu về chất lượng, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về hồ sơ. Một số doanh nghiệp chưa mặn mà với việc vào hàng trong siêu thị vì liên quan đến điều khoản thanh toán, trong khi doanh nghiệp mong muốn được thanh toán ngay sau mỗi lần cung ứng sản phẩm để có vốn xoay vòng phục vụ sản xuất thì siêu thị thường thanh toán theo tháng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cũng chưa đáp ứng yêu cầu của siêu thị về sản lượng hàng cung cấp ổn định cho siêu thị.

Số lượng các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được công nhận gia tăng đáng kể theo từng năm. Hệ thống bán lẻ hiện đại của tỉnh đang phát triển sôi động với hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại và khoảng 200 cửa hàng tiện ích. Đặc biệt, việc đi vào hoạt động của trung tâm thương mại GO! và sắp tới là trung tâm thương mại AEON sẽ tạo ra cơ hội lớn để các sản phẩm nông sản của tỉnh bứt phá.

Tuy nhiên, để đưa được hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đổi mới tư duy, chú trọng nâng cao chất lượng; đồng thời, có phương án liên kết, hợp tác với nhau để ổn định sản phẩm cả về mặt số lượng. Trong thời gian tới, ngành công thương sẽ rà soát, hỗ trợ một số siêu thị xây dựng “Điểm bán hàng Việt”, chú trọng tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của tỉnh vào các kênh bán lẻ hiện đại...