Đức Linh: Sản phẩm OCOP - 'đòn bẩy' trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Chia sẻ:

Phát triển sản phẩm OCOP, huyện Đức Linh luôn xác định nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm làm mục tiêu phát triển sản phẩm; lấy tiềm năng sẵn có để phát huy nội lực và nâng cấp sản phẩm.

Phát huy nội lực nâng cấp sản phẩm đặc trưng

Chương trình OCOP được triển khai, tổ chức trên địa bàn huyện từ năm 2020 theo Quyết định 1048 ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, địa phương có 10 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP trong đó có 5 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao. Ngày 24/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148 về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP thay thế Quyết định 1048 phân cấp cho từng cấp thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. UBND huyện đã triển khai đến cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn, khẩn trương kiện toàn Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để tổ chức đánh giá theo kế hoạch. Trong năm 2023, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 2 đợt với tổng số 21 sản phẩm của 19 chủ thể tham gia dự thi đánh giá, phân hạng nâng tổng số sản phẩm OCOP huyện đến nay lên 31 sản phẩm.

 

Sản phẩm kẹo hạt điều thập cẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Sản phẩm kẹo hạt điều thập cẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Qua 4 năm triển khai Chương trình OCOP tại huyện miền núi Đức Linh có nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, chủ lực của địa phương đạt chuẩn 3 sao, 4 sao OCOP cấp tỉnh. Các chủ thể sản phẩm OCOP đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn VietGap… trong sản xuất. Vì vậy, các sản phẩm OCOP đã được đánh giá cao về chất lượng và độ tin cậy, an toàn trong việc sử dụng sản phẩm. Tiêu biểu các sản phẩm như: Trứng gà nướng Tafa, Trứng gà tươi Tafa của chủ thể Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt – xã Trà Tân; Kẹo hạt điều thập cẩm của chủ thể Cty TNHH MTV Năm Trang – xã Đông Hà; Dầu đậu phụng nguyên chất của chủ thể Lê Thông – xã Mê Pu; Bưởi da xanh Đan Kha của chủ thể HTX TM-DV Nông nghiệp Hoài Đức – thị trấn Đức Tài; Rau ăn lá của chủ thể HTX Rau an toàn Tiến Phát – xã Vũ Hòa…

Ông Huỳnh Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh trao chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP.

Ông Huỳnh Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh trao chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP.

Sản phẩm Trứng gà nướng Tafa và Trứng gà tươi Tafa của chủ thể Cty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Đây là mô hình chăn nuôi khép kín theo công nghệ hiện đại nên không gây ô nhiễm môi trường; hàng năm góp phần tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân xã Trà Tân. Theo đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt cho biết, sản phẩm Trứng gà Tafa được sản xuất theo công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn ISO 22000: 2018 về lĩnh vực nuôi gia cầm lấy trứng và trứng đã qua chế biến nên tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Do đó, giá trị sản phẩm trung bình thường cao hơn 1,5 lần so với giá thị trường. Bên cạnh đó, lượng phân thải ra trong quá trình chăn nuôi được công ty thu gom, xử lý thành phân bón hữu cơ vi sinh và đóng bao bì xuất bán phục vụ cho nông nghiệp.

Còn tại xã Vũ Hòa, Hợp tác xã rau an toàn Tiến Phát với sự năng động, nhạy bén nắm bắt nhu cầu của thị trường về sản phẩm rau an toàn, hợp tác xã đã chủ động thực hiện đầu tư nhà màng, khay, hệ thống tưới tự động... với diện tích khoảng 3.100m sản xuất rau ăn lá các loại. Nhờ đặc tính ưu việt sản phẩm rau mềm, an toàn, dinh dưỡng nên được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là các thị trường tiềm năng, khó tính. Để nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trong thị trường hợp tác xã đăng ký sản phẩm rau ăn lá tham gia chương trình OCOP và được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh.

Dầu đậu phụng nguyên chất đạt OCOP 3 sao của hộ kinh doanh Lê Thông.

Dầu đậu phụng nguyên chất đạt OCOP 3 sao của hộ kinh doanh Lê Thông.

Gắn kết chương trình trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Ông Trương Quang Đến – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đức Linh cho hay: “Để thực hiện thành công Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm- OCOP” do Thủ tướng Chính phủ phát động với mong muốn đưa sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, chủ lực của địa phương được có mặt trên thị trường trong và ngoài nước biết đến thì cần phải gắn kết với Chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới nâng cao”. Trên cơ sở Quyết định số 1048 ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Huyện Đức Linh với những nỗ lực và cách làm sáng tạo, cùng với quyết tâm cao của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình OCOP và đã thu hút đông đảo các chủ thể tham gia quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm.

Có thể nói, để tham gia Chương trình OCOP là sự nỗ lực và là một hướng đi đúng đắn không chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã, mà kể cả hộ kinh doanh trên địa bàn huyện. Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, chủ lực của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng. Thông qua những sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tạo nên thương hiệu và bước đi vững chắc cho các sản phẩm địa phương trong thời gian qua. Mặc dù, trong quá trình triển khai, tổ chức Chương trình OCOP địa phương cũng gặp không ít khó khăn, nhưng huyện Đức Linh đã xác định các sản phẩm chủ lực sẽ gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chương trình OCOP gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đáp ứng tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” và đang trở thành động lực để cho công cuộc xây dựng nông thôn tiến tới mục tiêu vùng quê đáng sống và không ngừng phát triển.

Đưa nông sản huyện Đức Linh đến các thị trường mới

Huyện Đức Linh xác định gắn các sản phẩm chủ lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao vì sẽ tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân, nên đã chủ động đề ra các giải pháp nhằm khuyến khích, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các chủ thể trong huyện. Qua đó, khai thác hiệu quả hơn trong việc sản xuất cây trồng, con nuôi; nhất là vùng nguyên liệu hàng hóa để tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây được coi là công cụ “hợp pháp” để bảo vệ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại địa phương và cũng là giấy thông hành đưa nông sản huyện vươn đến các thị trường mới.

Ông Trương Quang Đến - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Đức Linh