Gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp Lào Cai

Chia sẻ:

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai được triển khai qua nhiều hình thức. Đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Trong gần 100 nhãn hiệu bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, có 40 sản phẩm nông nghiệp mang địa danh được Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng và đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Mận Bắc Hà, rau Bắc Hà, quýt Mường Khương, chè Ô long Cao Sơn, bưởi Múc Bảo Thắng, cá nước lạnh Sa Pa, vịt bầu Nghĩa Đô, thịt trâu sấy Bảo Yên, cá nước lạnh Bát Xát, vịt cổ nhung xanh Văn Bàn,...

Hiện tại, tỉnh Lào Cai đang hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý cho 17 sản phẩm như: Hồng không hạt Bảo Hà, rau an toàn Bảo Thắng, lợn đen Văn Bàn, cốm Bắc Hà, bánh chưng đen Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam…

Đến nay, các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh được bảo hộ đang duy trì, bước đầu phát triển, được các tổ chức, cá nhân sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Nhãn hiệu được in lên bao bì, tem, nhãn dán lên sản phẩm, in trên phương tiện quảng bá để tuyên truyền sản phẩm tới người tiêu dùng và trở thành hàng hóa được nhiều người biết đến, mang sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài tỉnh và giá trị kinh tế cho địa phương mỗi năm hàng chục tỷ đồng do chênh lệch giá bán (sau khi có nhãn hiệu giá tăng trung bình: từ 1.000 - 2.000 đồng/kg quýt Mường Khương; 5.000 - 6.000 đồng/con vịt bầu Nghĩa Đô; 2.000 đồng/kg mận Bắc Hà;…).

Các sản phẩm được bảo hộ như dứa Mường Khương, Hoàng Sin Cô Bát Xát đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng; chất lượng sản phẩm nâng lên và đã được các nhà máy, công ty lớn thu mua đưa vào nhà máy chế biến thành nước ép dứa, thạch dứa hoặc đứng ra liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn để chế biến thành nước giải khát. Chè Ô long Cao Sơn được công ty thu mua, thực hiện chế biến gắn nhãn hiệu đưa sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.

Bên cạnh đó, Lào Cai đã triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong việc phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh sản phẩm nông sản. Sàn Thương mại điện tử tỉnh Lào Cai đã duy trì và hỗ trợ 135 gian hàng với 397 sản phẩm. Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia Hệ thống minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản với 107 doanh nghiệp, hợp tác xã/331 dòng sản phẩm và Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp với 233 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân/431 sản phẩm.

Từ năm 2020 đến nay, một số hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai như: Hội chợ “Nông nghiệp và các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc” tỉnh Lào Cai; Tuần lễ giao thương xúc tiến tiêu thụ mận Tam Hoa Bắc Hà - Lào Cai, Vải Thiều Bắc Giang và Xoài Sơn La tại thành phố Lào Cai; Tuần lễ quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Tuần lễ nhận diện nông sản an toàn và sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai tại thành phố Hà Nội…

Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, Lào Cai thực hiện phát triển thương hiệu cho tối thiểu 20 sản phẩm nông sản đã được cấp văn bằng bảo hộ ở trong nước; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho ít nhất 15 sản phẩm, 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP; giá trị các sản phẩm nông sản sau khi được xây dựng và phát triển thương hiệu tăng khoảng 10 - 15% so với trước khi có thương hiệu sản phẩm.