Gần 530 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao
Ngày 7/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố danh sách 529 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2024.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phát biểu tại lễ công bố. |
Theo kế hoạch, lễ công bố chính thức Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, ngày 14/3.
Lễ công bố là sự kiện đặc biệt nhất hằng năm của cộng đồng doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, là nơi vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng bình chọn; đồng thời, cũng là nơi tổ chức ngày hội hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 với sự tham dự, gặp gỡ của các tổ chức xúc tiến thương mại, nhà mua hàng trong nước và quốc tế.
Cuộc khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng và nhà bán lẻ tại bốn thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ).
Song song đó, khảo sát trực tuyến (online) trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của người tiêu dùng ở 63 tỉnh/ thành phố. Kết quả ghi nhận hơn 70.000 lượt bình chọn bằng cả hai hình thức cho các doanh nghiệp.
Trong số 529 doanh nghiệp đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao 28 năm liên tiếp, 16 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn.
Thông tin từ cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 cho thấy, nhóm doanh nghiệp mới đạt tỷ lệ bầu chọn lần đầu (mới nổi) là các doanh nghiệp có nỗ lực mang tính đột phá trong hoạt động phân phối với sự gia tăng độ phủ khá tốt tại các hệ thống phân phối.
Hầu hết các doanh nghiệp mới đạt lần đầu là các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thực phẩm, là các doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hành sản xuất, đạt các chứng nhận OCOP (4 sao, 5 sao).
Ngành hàng có số doanh nghiệp đạt đủ tỷ lệ bình chọn cao nhất là ngành thực phẩm khô, đồ ăn liền, kế đến là ngành nước chấm, gia vị; ngành đạt tỷ lệ bình chọn thấp nhất là ngành dụng cụ làm đẹp.
Cuộc khảo sát còn ghi nhận nhiều thông tin khá thú vị từ thị trường với một số xu hướng tiêu dùng nổi bật như: Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang phát triển thực sự về chiều sâu.
Người tiêu dùng không chỉ coi trọng các yếu tố chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Xu hướng lựa chọn sản phẩm “xanh” và “sạch” thân thiện môi trường hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, theo kết quả khảo sát về mức độ mua sắm của người tiêu dùng năm 2024 so năm 2023 cho thấy có tín hiệu lạc quan hơn, nhưng mức gia tăng không đáng kể.
Chỉ khoảng gần 1/3 số người tiêu dùng được khảo sát (30%) cho biết mức chi tiêu mua sắm năm 2024 sẽ tăng hơn chút ít so năm 2023; hơn 40% người tiêu dùng sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm; 30% người tiêu dùng không thay đổi mức mua sắm so với năm 2023.
Điều này cho thấy, ít nhất sáu tháng đầu năm 2024 vẫn là chặng đường khó khăn đối với doanh nghiệp về bài toán trong việc thâm nhập, chinh phục người tiêu dùng, mở rộng thị trường.