Gia tăng giá trị sản phẩm OCOP

Chia sẻ:

Quảng Ngãi - Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) không chỉ nâng tầm nhiều loại nông sản, đặc sản địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết. Tuy nhiên, việc công nhận sản phẩm OCOP vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. 

LỢI ÍCH CỦA “SAO OCOP”

Toàn tỉnh hiện có 191 sản phẩm được gắn sao OCOP, trong đó có 17 sản phẩm OCOP 4 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP đều tuân thủ điều kiện, tiêu chuẩn về thương hiệu, nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Qua đó, tạo động lực để các chủ thể tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô phát triển sản xuất theo hướng chế biến sâu; đồng thời tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Minh Long được người tiêu dùng đón nhận nhưng chủ thể chưa có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã.
Cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Minh Long được người tiêu dùng đón nhận nhưng chủ thể chưa có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã.

Giám đốc Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT (TP.Quảng Ngãi) Võ Thị Hồng Vân cho biết, sự khắt khe trong quy trình sản xuất và tính đặc trưng, riêng biệt là động lực để các sản phẩm OCOP định vị thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững. Với giá trị mà sao OCOP mang lại, công ty luôn nỗ lực đầu tư ứng dụng KHCN từ khâu sản xuất đến chế biến. Đồng thời, cải tiến bao bì, mẫu mã để sản phẩm không chỉ đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn phải đẹp, bắt mắt.

VẪN CÒN BẤT CẬP 

Lợi ích của “sao OCOP” thì đã rõ, tuy nhiên hiện nay chủ thể gặp khó trong việc đề nghị công nhận lại sản phẩm OCOP. Theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau thời gian này, các chủ thể cần tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận lại sản phẩm. Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu "cứng" về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng... khiến chủ thể gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường hợp sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình. Chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Phương Loan, ở xã Đức Lợi (Mộ Đức) Nguyễn Thị Lệ Phương cho biết, tôi đã lớn tuổi, việc đầu tư phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường khó khăn. Thời gian và chi phí hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại rất tốn kém. Khi giấy chứng nhận OCOP đối với sản phẩm nước mắm Phương Loan hết hạn vào cuối năm 2023, tôi không đăng ký đánh giá phân hạng lại, mà chỉ sản xuất kinh doanh nhỏ. Ngoài nước mắm Phương Loan, toàn tỉnh còn có 5 sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP đã hết hạn nhưng đến nay, các chủ thể không nộp hồ sơ đăng ký đánh giá lại nên cơ quan chức năng phải thu hồi logo OCOP, gồm sản phẩm nước mắm Đức Hải, Phát Hải và gạo sạch Ấn Trà (Mộ Đức), nước sát khuẩn quế (Trà Bồng) và giấm tỏi mật ong (Lý Sơn).

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho biết, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các chủ thể đầu tư trang, thiết bị để duy trì, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như chủ thể không có điều kiện duy trì sản xuất, sản phẩm giảm sức tiêu thụ, hoặc tập trung sản xuất dòng sản phẩm mới... nên chủ thể không thực hiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại đối với 4 sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP đã hết hạn.

Từ năm 2023, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao được phân cấp về huyện. Điều này tạo điều kiện cho các địa phương chủ động hơn trong công tác tổ chức, giảm thời gian và chi phí đi lại trong quá trình thực hiện hồ sơ thủ tục của các chủ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy một số tồn tại, bất cập. Đó là tình trạng xuê xoa khi lựa chọn, đánh giá và xếp hạng dẫn đến sản phẩm bị trùng lặp, nhỏ lẻ và giá trị cạnh tranh thấp, như dầu phụng, thịt heo, nhang quế, chả lụa, chả bò... Đơn cử đối với bưởi da xanh, một trong 12 sản phẩm OCOP giai đoạn 2019 - 2022 mà Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đánh giá là “sản xuất theo thời vụ, khả năng cung ứng ra thị trường kém”. Tuy nhiên, năm 2023, vẫn có một số địa phương chọn bưởi da xanh để đánh giá, xếp hạng OCOP.

Bên cạnh đó, một số đơn vị tư vấn kém năng lực và chuyên môn nên không nắm bắt đầy đủ quy trình sản xuất, thành phần sử dụng trong sản phẩm dẫn đến “vênh” thông tin, số liệu giữa hồ sơ với thực tế. Thậm chí, có tình trạng cơ quan chuyên môn hướng dẫn một đằng, nhưng đơn vị tư vấn làm một nẻo, dẫn đến hồ sơ thủ tục không đảm bảo. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng không đăng ký ngành nghề kinh doanh sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hoặc hồ sơ sản phẩm yêu cầu phải chứng minh hợp đồng cung ứng các loại nguyên liệu, chất phụ gia... nhưng đơn vị tư vấn không biết.

Chả Tân Lập, một trong những sản phẩm OCOP 3 sao được chủ thể là Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm Tân Lập (Bình Sơn) đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm.
Chả Tân Lập, một trong những sản phẩm OCOP 3 sao được chủ thể là Công ty TNHH MTV chế biến thực phẩm Tân Lập (Bình Sơn) đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm.


Một chủ thể sản xuất chả cá tại thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho hay, ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chả cá còn phải được kiểm nghiệm thêm một số chỉ tiêu trước khi lưu hành. Tuy nhiên, những chỉ tiêu cần thì đơn vị tư vấn không hướng dẫn làm, lại còn sao chép hồ sơ dẫn đến sai lệch thành phần nguyên liệu trong sản phẩm. Điều này vừa tốn kém chi phí, vừa ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm.

CẦN THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP  

Để khắc phục tình trạng nói trên, gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, chính quyền các địa phương cho rằng, bên cạnh sự chủ động của các chủ thể trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm OCOP, cần sự quan tâm của các sở, ngành và cơ quan, đơn vị chuyên môn trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần quan tâm hình thành vùng nguyên liệu đặc trưng cho từng sản phẩm, đảm bảo yếu tố truyền thống; hỗ trợ chủ thể tiếp cận các nguồn vốn để liên kết sản xuất theo từng nhóm sản phẩm; ứng dụng công nghệ gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP...

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, các cơ quan chuyên môn cần đồng hành cùng với huyện trong việc rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký tham gia OCOP đối với sản phẩm mới, giá trị cạnh tranh cao hoặc đầu tư nâng cấp sản phẩm hiện có để tiếp cận thị trường. Việc sản xuất phải lấy thị trường làm mục tiêu phát triển, định giá sản phẩm theo đối tượng khách hàng; đồng thời thay đổi phương thức quảng cáo và xúc tiến thương mại thông qua liên kết chuỗi... Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng logo OCOP, tem nhãn, mẫu mã, bao bì và kiên quyết xử lý, cung cấp thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối và cơ quan quản lý thị trường đối với những chủ thể OCOP cố tình vi phạm quy định.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, chính quyền các địa phương phải chỉ đạo lựa chọn sản phẩm mang tính đặc trưng. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP phải đảm bảo thực chất, không cào bằng, không chạy theo số lượng. Qua đó, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng của các sản phẩm, cũng như ý nghĩa và mục tiêu của sao OCOP. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chuyên môn rà soát các đơn vị tư vấn, nếu không đáp ứng điều kiện năng lực thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đề nghị các phòng NN&PTNT cấp huyện không lựa chọn để hỗ trợ chủ thể.