Giữ vững ngọn cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới
Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (thứ 2 từ trái qua) thăm vùng trồng sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu tại thành phố Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên
Mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN-ND-NT luôn được Đồng Nai chú trọng thực hiện trong suốt lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là nguyên nhân để một tỉnh công nghiệp như Đồng Nai luôn giữ vững ngọn cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hành trình xuyên suốt
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, NN-ND-NT đã đóng góp lớn về nhân lực, vật lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trước năm 1975, khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh chịu nhiều tổn thương, mất mát do chiến tranh tàn phá. Bước ra cuộc chiến, khu vực này lại chịu những hệ lụy do sự chủ quan, nóng vội trong cải tạo, đẩy nhanh hợp tác hóa nông nghiệp làm kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống của nông dân.
NN-ND-NT, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thường là nơi chịu nhiều rủi ro. Người dân nông thôn thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, với những rủi ro về kinh tế như: mất mùa, thất nghiệp, biến động giá cả thị trường, thu nhập thấp…, càng tạo thêm sự chênh lệch về đời sống và thu nhập giữa nông thôn và thành thị.
Chính vì vậy, xuyên suốt quá trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn xác định vấn đề NN-ND-NT là nhiệm vụ chiến lược, quan trọng, thường xuyên và cấp bách. Xuất phát từ nhận thức trên, trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW vào năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về NN-ND-NT, từ đầu năm 2007, Tỉnh ủy đã quyết định chủ trương về xây dựng nông thôn “4 có”: có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu cuối cùng là phát triển sản xuất nông nghiệp và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, năm 2024, mục tiêu của tỉnh có 100% xã NTM nâng cao. Do Đồng Nai luôn đi trước trong xây dựng NTM nên cũng trong năm nay, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức sơ kết đánh giá thí điểm NTM kiểu mẫu của huyện Xuân Lộc để có cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp theo trong xây dựng NTM của cả nước.
Quá trình xây dựng nông thôn “4 có” ở Đồng Nai đã tạo được cơ sở, nền tảng ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng để Đảng bộ và chính quyền tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 và Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm “Huy động hợp lý sức dân để chăm lo cho dân”, nông dân luôn là trung tâm, chủ thể trong quá trình xây dựng NTM. Không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà quan trọng hơn, nông dân là đối tượng quyết định đến việc thực hiện và hiệu quả, thành công của quá trình xây dựng NTM.
Đồng Nai luôn ở thế chủ động chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo để “không ngủ quên” trên thành tích đã đạt được trong xây dựng NTM. Năm 2014 - khi có 2 địa phương về đích huyện NTM đầu tiên của cả nước là Xuân Lộc và thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh), Đồng Nai đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao vào năm 2015. Từ năm 2019, Đồng Nai đã củng cố toàn bộ cơ sở pháp lý để xây dựng NTM bền vững cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt là ra được 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm: Chỉ thị về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chỉ thị chỉ đạo về việc tiếp tục xây dựng NTM, NTM nâng cao, đặc biệt là đã ban hành được Bộ tiêu chí cho NTM kiểu mẫu. Gần đây, các bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 được ban hành để đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn cả về lý luận và thực tiễn.
Trong công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động xây dựng NTM, tỉnh xóa bỏ tâm lý, tư tưởng ỷ lại, thụ động trông chờ vào ngân sách nhà nước. Từ tỉnh đến các địa phương đều rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Ở đây, vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị rất quan trọng. Theo đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển hàng loạt bí thư, chủ tịch xã. Nhờ cách làm này, tình hình xây dựng NTM trên địa bàn các cấp chuyển biến rất nhanh, xóa đi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của đội ngũ cán bộ.
Bội thu những mùa trái ngọt
Năm 2010, Đồng Nai bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM. Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng NTM 2010-2020, tỉnh đạt được nhiều thành quả ấn tượng khi có 2 địa phương về đích huyện NTM đầu tiên của cả nước vào năm 2014. Năm 2018, huyện Xuân Lộc được Trung ương chọn là một trong 4 địa phương trong cả nước thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Năm 2019, Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích nổi bật trong Phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM.
Đến cuối năm 2023, Đồng Nai có 105 xã NTM nâng cao, 27 xã NTM kiểu mẫu; đứng thứ 2 cả nước về số xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Đây cũng là năm Đồng Nai có huyện NTM nâng cao đầu tiên là huyện Xuân Lộc.
Đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện rõ nét, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên. Cụ thể, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2014 đạt gần 32,6 triệu đồng/người/năm và tăng lên gần 64,7 triệu đồng/người vào năm 2022. Hiện nhiều xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đạt mức gần 90 triệu đồng/người/năm.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn như: đường giao thông, điện, thủy lợi… Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh là trên 930 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chỉ chiếm 7,15%, còn lại là vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp, người dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra tình trạng nợ đọng vốn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, qua các nhiệm kỳ trong xây dựng NTM, lãnh đạo tỉnh đều rất quan tâm đến phát triển tam nông từ xây dựng nông thôn “4 có”, đến triển khai tích cực các nghị quyết của Trung ương về NN-ND-NT và xây dựng NTM nên đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đây là thành tựu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quá trình nỗ lực của toàn tỉnh trong suốt thời gian dài. Quan điểm của Đồng Nai là dần rút ngắn khoảng cách cả về vật chất lẫn tinh thần giữa người dân thành thị và nông thôn.