Gỡ 'điểm nghẽn' để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Chia sẻ:

Kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là một mắt xích quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân và doanh nghiệp tìm thấy nhau. Trong những năm qua, HTX đã và đang giải quyết bài toán đầu vào, đầu ra cho nông sản, giúp bà con yên tâm sản xuất, tạo tiền đề để kinh tế nông thôn phát triển. Tuy nhiên, để tạo động lực cho KTTT nói chung, HTX nói riêng phát triển trong giai đoạn mới, thì những điểm nghẽn cần sớm được khơi thông.

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 988 tổ hợp tác, với 14.490 thành viên; 287 HTX với 4.400 thành viên (250 HTX đang hoạt động, 37 HTX ngưng hoạt động). Số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 4.743 người, doanh thu bình quân ước đạt 950 triệu đồng/năm/HTX, lãi bình quân ước đạt 300 triệu đồng/năm/HTX. Ngoài ra, còn có 2 liên hiệp HTX với 11 HTX thành viên, cung ứng dịch vụ, sản phẩm đầu vào cho sản xuất và đầu ra sản phẩm cho thành viên.

Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khẳng định: “Thực tế cho thấy, những năm qua, KTTT đã có bước phát triển mới cả về chất và lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, khẳng định những tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để tạo động lực cho KTTT, nòng cốt là HTX phát triển trong giai đoạn mới, những rào cản, thách thức cần sớm được tháo gỡ”.

 

Toàn tỉnh hiện có 220 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn các HTX hoạt động hiệu quả, đã tổ chức được nhiều dịch vụ hỗ trợ theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh: Liên kết chuỗi tiêu thụ lúa gạo giữa Doanh nghiệp Thuận Xương, Phường 7, TP Cà Mau với HTX Kinh Dớn, xã khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).

Toàn tỉnh hiện có 220 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn các HTX hoạt động hiệu quả, đã tổ chức được nhiều dịch vụ hỗ trợ theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh: Liên kết chuỗi tiêu thụ lúa gạo giữa Doanh nghiệp Thuận Xương, Phường 7, TP Cà Mau với HTX Kinh Dớn, xã khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời).

Một trong những điểm nghẽn trong phát triển KTTT là chưa thực hiện tốt Luật HTX năm 2012, còn yếu kém về hành chính quản trị và tài chính, phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi. Phần lớn các HTX có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa có mô hình sản xuất hàng hóa lớn. Hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và doanh nghiệp còn ít, khó khăn trong công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Năng lực tài chính yếu do thiếu vốn nên ít đầu tư thêm cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị công nghệ, dẫn đến sản phẩm còn đơn điệu. “Do đó, khi có biến động về thị trường, giá cả vật tư, nguyên liệu, HTX lâm vào tình trạng khó khăn, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường”, ông Thuần cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, khu vực KTTT vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Năng lực nội tại HTX còn yếu, hạn chế về cán bộ quản lý, điều hành và cả cơ sở vật chất, nguồn vốn không mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh; vẫn còn tình trạng HTX hoạt động cầm chừng, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo phát triển KTTT, HTX thiếu chặt chẽ, chưa mang tính liên tục; công tác củng cố, xử lý HTX yếu, kém, giải thể HTX hoạt động kém hiệu quả đã ngưng, nghỉ hoạt động được tiến hành xử lý, nhưng còn chậm.

Một số sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức trong chỉ đạo phát triển KTTT, HTX; một số nơi còn chạy theo thành tích, thiếu chú trọng nhu cầu chung, lợi ích của HTX mang lại cho thành viên. Một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển KTTT của Nhà nước ban hành chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó thực hiện. Các chính sách và biện pháp hỗ trợ HTX chưa rõ ràng, nguồn lực thực hiện ít, phân tán nên chưa thực sự phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho các HTX củng cố, phát triển.

Ông Trần Quốc Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết: “Ðầu ra sản phẩm của HTX chưa ổn định, việc liên kết chuỗi trong sản xuất còn nhiều khó khăn, vì vậy cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển KTTT. Việc xử lý, giải thể các HTX yếu kém, ngưng hoạt động còn chưa dứt điểm. Bên cạnh đó, về việc tiếp cận vốn tín dụng, khó khăn lớn nhất đối với cho vay khu vực KTTT, HTX là do khu vực này đa số không có tài sản chung thế chấp, không đủ vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất kinh doanh theo tỷ lệ quy định của các ngân hàng thương mại, đó là nguyên nhân chính dẫn đến các HTX, tổ hợp tác chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng”.

Các HTX nuôi tôm, cua, khai thác thủy sản phát triển mạnh trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa).

Các HTX nuôi tôm, cua, khai thác thủy sản phát triển mạnh trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa).

Ðể tạo động lực phát triển thành phần kinh tế này, theo ông Nguyễn Chí Thuần, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình hành động, nghị quyết chuyên đề về phát triển KTTT. Ðặc biệt, đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ, giúp các HTX khắc phục những hạn chế trong tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012; giải thể các HTX ngưng hoạt động, hoạt động yếu, kém, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác. Việc thành lập mới HTX phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, chủ trương, chính sách cần nhất quán, đồng bộ và được triển khai kịp thời, phù hợp với thực tiễn vốn, kỹ thuật, công nghệ... Nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, dự án phát triển phải đầy đủ, kịp thời, có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo hiệu quả đầu tư cao nhất.

Những hạn chế, yếu kém trong phát triển KTTT đã được nhận diện, công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và người dân về vị trí, vai trò của khu vực KTTT, HTX chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX kiểu cũ. Ðiều quan trọng là cần phải suy nghĩ, tìm ra cơ chế, chính sách cho HTX phát triển. Kinh tế HTX phải phát triển tương xứng, ngang tầm với sự phát triển của đất nước./.