Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP

Chia sẻ:

Chạm tới mục tiêu 2025

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, tháng 4/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình đến năm 2025.

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đã thu được nhiều kết quả.

Thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho thấy, lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng được 2.758 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 1.255 sản phẩm 3 sao.

ha noi tiep tuc dan dau ca nuoc ve so luong san pham ocop hinh 1

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại làng nghề Bát Tràng

Riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã thực hiện đánh giá, phân hạng được 47 sản phẩm OCOP thuộc 5 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Ứng Hòa. Trong đó, có 35 sản phẩm đạt 3 sao; 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang chờ Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố tiến hành đánh giá.

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên. Phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định.

Mục tiêu thành phố đề ra là có ít nhất 50% làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận, đã và đang phát triển có chủ thể tham gia Chương trình OCOP, ngoài ra, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; phấn đấu có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP…

Dự kiến đến hết năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ đánh giá thêm khoảng 510 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt được trong giai đoạn 2021 - 2024 lên 2.167 sản phẩm (hoàn thành vượt mức mục tiêu của Chương trình là đến hết năm 2025 đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP).

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 13.000 sản phẩm OCOP, tăng hơn 4.000 sản phẩm so với cuối năm 2022. Với 2.758 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và chứng nhận, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước.

Mở rộng điểm bán sản phẩm OCOP

Bên cạnh việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội chú trọng phát triển các điểm bán sản phẩm OCOP. Thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển thêm 20 - 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong năm 2024.

Theo thống kê, thành phố Hà Nội đã có trên 100 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong số đó có hơn 20 điểm OCOP gắn với du lịch, làng nghề như: Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; làng nghề gốm sứ Bát Tràng; làng cổ Đường Lâm; làng nghề may Vân Từ, nghề gỗ Sơn Hà; làng nghề sơn mài Hạ Thái; khu du lịch cộng đồng xã Hồng Vân…

Đến giữa tháng 7/2024, có 12 quận, huyện (Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Phú Xuyên) có báo cáo về thực trạng các điểm OCOP trên địa bàn, đồng thời đăng ký phát triển thêm 10 điểm OCOP trong năm 2024.

Theo đánh giá của các huyện, xã, việc phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, làng nghề là cơ hội tốt để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm chất lượng do các nghệ nhân, làng nghề sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của địa phương.

Các đơn vị phân phối nhận định, việc nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được mở tại khu vực ngoại thành có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, giúp nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành nhận biết, lựa chọn địa điểm mua sắm với những sản phẩm OCOP của những đơn vị sản xuất uy tín đã được đánh giá, phân hạng.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội