Hà Tĩnh: Ngư dân Nghi Xuân khởi nghiệp thành công từ nuôi lươn không bùn
Khởi nghiệp từ nuôi lươn không bùn, ngư dân Nguyễn Văn Đức ở xã Xuân Thành (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) còn thành công khi nuôi lươn sinh sản, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hàng chục năm gắn bó với nghề chài lưới ở vùng bãi ngang ven biển xã Xuân Thành, ngư dân Nguyễn Văn Đức (SN 1974, thôn Thành Hải) đã mạnh dạn mở hướng đi mới với mô hình nuôi lươn không bù
Ông Đức chia sẻ: Nghề đánh bắt hải sản trên chiếc thuyền nhỏ thu nhập bấp bênh, không ổn định. Sau bao ngày trăn trở, tôi quyết định “thử sức” với nghề nuôi lươn không bùn. “Vạn sự khởi đầu nan”, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm với lựa chọn của mình”.
Với quyết tâm đó, vào tháng 7/2023, ông “khăn gói” đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi ốc bươu, ếch, cua, lươn… có hiệu quả ở một số tỉnh trong nước. Càng tìm hiểu, nhận thấy nuôi lươn không bùn có ưu điểm không cần diện tích lớn, ít công chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định nên ông mạnh dạn “khởi nghiệp”.
Sử dụng diện tích đất vườn, ông bắt tay vào đầu tư xây dựng 9 bể nuôi được chia thành 2 khu, trong đó 6 bể lót bạt, 3 bể xi măng có tổng diện tích gần 35 m2. Sau đó, ông bỏ ra số tiền hơn 90 triệu đồng mua gần 2 vạn con lươn giống ở tỉnh Thanh Hóa về nuôi thử nghiệm.
“Sau gần 3 tháng nuôi, lươn giống bị bệnh đường ruột, do bước đầu thiếu kiến thức, nên tôi chữa trị sai cách, lươn chết mất gần 5.000 con” – ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể. Bởi vậy, hằng ngày phải thay nước 2 lần sau khi cho lươn ăn để đảm bảo nguồn nước luôn sạch thì lươn sẽ sinh trưởng và phát triển tốt.
Khi lươn còn nhỏ, ông sử dụng thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát tốt môi trường, giảm hao hụt, hạn chế được rủi ro. Sau khi lươn trưởng thành, cho ăn tép khô. Đây là thức ăn sẵn có ở vùng biển rất được lươn ưa thích nên phát triển nhanh, khỏe mạnh.
Ấn tượng hơn khi ông Đức đã cho lươn sinh sản thành công. Trên diện tích hơn 15 m2 được thiết kế như môi trường ao nuôi tự nhiên, xung quanh trồng lúa để giữ đất, ở giữa thả bèo cho lươn trú ngụ.
Sau gần một năm, mô hình của ông hiện có khoảng 15.000 con lươn, trọng lượng bình quân từ 3-4 con/kg. Nhiều thương lái đã liên hệ mua với giá từ 110.000 – 130.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. “Tôi đang tiến hành lựa chọn khoảng 1.000 con giống tốt để nuôi lươn sinh sản, số còn lại sau đó sẽ bán ra thị trường” – ông Đức cho hay.
Sau vài tháng nuôi, gần 300 con lươn giống đã đẻ trứng trong ống nhựa và nở ra hàng vạn con lươn giống nhỏ li ti đang được ông tỉ mẩn chăm sóc trong bể ương luôn duy trì sục khí để lươn sinh trưởng tốt. Theo ông Đức, hiện lươn giống có giá khá cao và cho lợi nhuận gấp đôi so với nuôi lươn thương phẩm nên chịu khó tìm tòi, học hỏi để tự sản xuất con giống. Từ đó, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển mô hình, nâng cao thu nhập.