Hiệu quả từ những dự án về sở hữu trí tuệ đối với các tổ chức, cá nhân

Chia sẻ:

Hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc và đóng góp quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó, tài sản trí tuệ được hình thành thông qua các văn bằng bảo hộ góp phần phát triển thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ.

Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, bảo hộ, quản lý và phát triển SHTT trở thành một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được quy định, đề cập, lồng ghép trong nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm nói riêng như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 1062/QĐTTg ngày 14/6/2016), Chiến lược SHTT đến năm 2030 (Quyết định số 1068/ QĐ-TTg ngày 22/8/2019), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 (Kế hoạch số 3083/KH-UBND ngày 10/11/2022), Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 9/7/2022 về việc phê duyệt Đề án phát triển tài sản trí tuệ tỉnh đến năm 2030 với mục tiêu chung là đưa SHTT trở thành công cụ thúc đẩy hiệu quả cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương. Thông qua các chương trình, triển khai hỗ trợ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương có rất nhiều sản phẩm mang địa danh đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) và một số dự án đạt được một số kết thiết thực.

 

Sản phẩm nếp Ong Trùng Khánh.

Sản phẩm nếp Ong Trùng Khánh.

Nổi bật là Dự án “Xây dựng quản lý và phát triển NHCN (Thạch An) cho các sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An, dự án xây dựng hồ sơ đăng ký NHCN “Thạch An” cho sản phẩm từ cây thạch đen, xây dựng đặc tính của NHCN; xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm từ cây thạch đen mang NHCN; xây dựng logo mang NHCN “Thạch An”; xây dựng bản đồ địa lý tương ứng với NHCN “Thạch An”; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHCN”; xây dựng mô hình quản lý và phát triển NHCN “Thạch An”; hoạt động hỗ trợ quảng bá và phát triển NHCN “Thạch An”…

Dự án xây dựng, quản lý và phát triển NHTT “Nếp Hương Bảo Lạc” cho sản phẩm gạo nếp Hương của huyện Bảo Lạc đã xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản, phương tiện phục vụ việc áp dụng trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển NHTT “Nếp Hương Bảo Lạc”, gồm: quy chế sử dụng NHTT; quy trình kỹ thuật trồng, canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm mang NHTT “Nếp Hương Bảo Lạc”; quy chế kiểm soát việc sử dụng NHTT và kiểm soát chất lượng sản phẩm mang NHTT; quy chế sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang NHTT; hệ thống biểu mẫu sổ sách để hội có thể kiểm tra, theo dõi, kiểm soát chất lượng sản phẩm mang NHTT tại từng hộ sản xuất lúa Nếp Hương Bảo Lạc...

Đối với Dự án xây dựng, quản lý và phát triển NHTT gạo nếp Ong Trùng Khánh, được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ NHTT “Nếp Ong Trùng Khánh”; hệ thống các văn bản và công cụ làm cơ sở để tổ chức, quản lý, khai thác, sử dụng NHTT gồm: quy chế quản lý, sử dụng NHTT; quy trình sản xuất mang NHTT; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; quy trình sử dụng tem nhãn sản phẩm; quy trình cấp thu hồi quyền sử dụng NHTT; bản đồ khoanh vùng khu vực địa lý, tên địa danh; mẫu sổ tay quản lý và sử dụng NHTT; hệ thống các công cụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tập huấn nâng cao nhận thức về SHTT, về NHTT và quản lý khai thác NHTT…

Từ những dự án về sở hữu trí tuệ trên đã nâng cao hiệu quả việc quản lý và phát triển NHTT, nâng cao uy tín, khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và tăng lợi ích kinh tế cho các nhà sản xuất, kinh doanh, góp phần quảng bá hình ảnh các đặc sản của tỉnh, bảo tồn và nâng cao danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản của địa phương, xây dựng hệ thống các sản phẩm phục vụ cho việc phát triển du lịch của tỉnh; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, khai thác hiệu quả lợi thế và tăng giá trị tài sản trí tuệ trong từng sản phẩm.

Để phát triển hơn nữa giá trị sản phẩm NHTT, NHCN cần tiếp tục giữ gìn và phát huy danh tiếng sản phẩm đặc sản của tỉnh, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức, trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT; thúc đẩy đăng ký bảo hộ NHTT, NHCN cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý NHTT, NHCN và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong việc đăng ký bảo hộ NHCN, NHTT cho các sản phẩm của tỉnh thuộc danh mục sản phẩm quốc gia và các sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP ra nước ngoài tiêu thụ.