Hỗ trợ hội viên, phụ nữ thi đua phát triển kinh tế và khởi nghiệp có hiệu quả
Hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đều phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở, gắn với Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 do Trung ương triển khai, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh và khởi nghiệp, hiện thực hóa ý tưởng thành hiện thực. Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thông qua các Câu lạc bộ khởi nghiệp với những sản phẩm tiềm năng của địa phương.
Các sản phẩm khô Ba Khía của Cơ sở sản xuất khô Ba Khía (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng)
Hội LHPN các cấp và Hội Nữ doanh nhân tỉnh tăng cường hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững ở 8 xã biên giới, gắn thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thành lập Phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ tại Hội LHPN tỉnh, với hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày giới thiệu, trong đó nhiều sản phẩm được công nhận đạt các tiêu chí Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội tiếp tục phối hợp với ngành chức năng kết nối, hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện, lễ hội trong và ngoài tỉnh, nhất là tại thị trường TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 175 chủ thể. Trong đó, chủ thể là phụ nữ chiếm khoảng 40%. Điển hình như: Cơ sở sản xuất khô Ba Khía (huyện Tân Hồng), Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất tinh dầu Hương Đồng Tháp (TP Hồng Ngự), Công ty TNHH MTV Ba Tre (huyện Tam Nông)... Kết quả trên thể hiện vai trò của phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hội LHPN tỉnh, việc cụ thể hóa Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong đề xuất chính quyền phê duyệt các đề án, kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp với nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, đáp ứng khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi trên địa bàn. Hội LHPN tỉnh đã làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thúc đẩy hình thành các Câu lạc bộ, Hiệp hội nữ doanh nhân, khuyến khích doanh nghiệp nữ thành lập mới, góp phần nâng tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Chị Dương Thị Hồng Chuyên - chủ Cơ sở sản xuất khô Ba Khía (Ảnh: CTV)
Các cấp Hội chú trọng phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động nhằm khơi gợi tiềm năng, phát huy nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, phụ nữ và người dân. Đến nay, phong trào thi đua phát triển kinh tế và khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ. Điều này không chỉ thể hiện qua hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ, mà còn thay đổi nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp. Chính từ phong trào thi đua phát triển kinh tế và khởi nghiệp, giúp nhiều chị em phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, an phận, chủ động tìm đến Hội để nâng cao kiến thức về kinh doanh, biết thích ứng với quy luật kinh tế thị trường, vươn lên phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần thu hút, tập hợp hội viên đến với tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội trong giai đoạn mới.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh nâng cao hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025, hướng các hoạt động khởi nghiệp đến phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật, lao động di cư, chuyển đổi nghề nghiệp... Nhất là khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo cơ hội bình đẳng cho các nhóm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.