Hòa Bình: Đề xuất điều chỉnh các chính sách tài chính, thuế nhằm phát triển hàng Việt
Thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã tổ chức hàng loạt hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông sản tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với đông đảo doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Đề xuất điều chỉnh các chính sách tài chính, thuế nhằm phát triển hàng Việt
Báo cáo thống kê cho thấy, từ năm 2009 đến nay, các ngành liên quan đã hỗ trợ hơn 500 lượt doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh Hoà Bình tham gia giới thiệu 900 gian hàng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức 47 hội nghị, hội thảo, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong tỉnh Hoà Bình tạo không gian để các doanh nghiệp hợp tác sản xuất, phân phối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, đặc sản của tỉnh. Trong đó, một số sản phẩm tiêu biểu được tham gia kết nối cung - cầu, nổi bật như: rượu Mường Đình, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, măng Kim Bôi, cao xạ đen…
Xúc tiến quảng bá để nông sản, hàng hóa tỉnh Hòa Bình vươn xa. (Ảnh: Moit)
Đáng chú ý, thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, tỉnh Hoà Bình đã chú trọng tuyên truyền, triển khai sâu rộng Cuộc vận động gắn với thực hiện các chương trình quảng bá, kích cầu sản phẩm, phát triển thị trường như: Lễ hội cá tôm Sông Đà tỉnh Hòa Bình, Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc và các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Cùng với hiệu quả tích cực của các chương trình triển lãm, hội chợ quảng bá, ông Sùng A Chênh - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hoà Bình cho biết: Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia chương trình, tổ chức sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, chất lượng, hiệu quả.
Song song với đó, các cơ quan đã quản lý đã tích cực rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện tiếp cận cho người dân mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.
Đồng thời, đề xuất điều chỉnh các chính sách tài chính, thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường; cắt giảm thủ tục hành chính phiền hà; thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước khi mua sắm công…
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với hình thức đa dạng. Được triển khai từ năm 2009 đến nay, các đơn vị thông tin, tuyên truyền của tỉnh Hoà Bình đã thực hiện các chương trình tuyên truyền về Cuộc vận động.
Các siêu thị, điểm bán hàng, cửa hàng tự chọn trên địa bàn ưu tiên trưng bày và bán sản phẩm hàng Việt; thường xuyên cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường nội địa trên các website để các đơn vị, doanh nghiệp, đầu mối tiêu thụ chủ động nắm bắt, tham gia mở rộng thị trường.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, tạo ra các sản phẩm chất lượng đã được các ngành quan tâm. Các doanh nghiệp nắm bắt "cơ hội vàng” để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Từ năm 2009 đến nay, đã có 20 đề án đào tạo nghề, 1 đề án nâng cao quản lý cho các cơ sở công nghiệp, 11 đề án sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 15 mô hình trình diễn, khảo nghiệm các giống lúa mới…
Nhờ đó, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông sản tiêu biểu, sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh ngày càng được cải tiến về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Hàng Việt còn đến với người tiêu dùng nông thôn thông qua các hội chợ, triển lãm. Từ năm 2009 đến nay, đã có 109 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Sở Công Thương xây dựng 7 điểm bán hàng Việt cố định tại các xã vùng cao, vùng sâu. Hội Nông dân tỉnh xây dựng 9 gian hàng giống lúa nông hộ cố định tại 9 xã trên địa bàn tỉnh…
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường
Bên cạnh thị trường truyền thống, sàn giao dịch thương mại điện tử (địa chỉ: www.hoabinhtrade. gov.vn) được Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng, hoàn thiện đã đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nổi bật lên sàn, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đồng thời duy trì, phát triển, bảo hộ các thương hiệu nông sản đã được chứng nhận và có uy tín, thương hiệu trên thị trường; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản khi tham gia tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Nhằm đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, kém chất chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường nhằm tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Hoà Bình đã tổ chức, tham gia nhiều cuộc giám sát, kiểm tra cơ sở sản xuất - kinh doanh; phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất - kinh doanh được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
Để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện sâu rộng và hiệu quả hơn, theo ông Bùi Văn Luyến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hoà Bình - thời gian tới, tỉnh Hoà Bình cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đưa việc thực hiện Cuộc vận động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi đơn vị.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về ý chí tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt; vận động, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất hàng Việt, quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh thông tin.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo thêm cơ hội tiếp cận thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa Việt, tổ chức hội chợ, triển lãm, mở rộng mạng lưới đưa hàng Việt về vùng nông thôn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đăng ký, chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, mẫu mã, nhãn hiệu, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại…