Hoài Đức phát triển sản phẩm OCOP từ các làng nghề

Chia sẻ:

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn và góp phần đẩy mạnh giao thương, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, huyện Hoài Đức đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành thành phố xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời khai trương các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để tiêu thụ, quảng bá những sản phẩm OCOP của huyện.

Khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình

Hoài Đức là huyện có tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề. Trong 5 năm (2019 - 2023), huyện đã có 114 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Trong đó, có 3 sản phẩm 3 sao, 83 sản phẩm 4 sao, 103 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 9 sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, 2 sản phẩm thuộc nhóm vải không may mặc.

avatar

Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch. Ảnh: Mai Phương

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thuận, toàn huyện có 44 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó 13,6% là các HTX, 31,8% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 54,6% là cơ sở/hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Tiếp nối những kết quả đã đạt được, năm 2023, huyện Hoài Đức tiếp tục triển khai Chương trình OCOP, đẩy mạnh phát triển hơn nữa về cả chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, lễ hội nông sản, tuần hàng do các sở, ngành thành phố, Trung ương tổ chức để đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Di Trạch, năm 2012, hợp tác xã mua giống táo đại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng trên diện tích gần 6ha. Ngoài ra, hợp tác xã còn trồng hơn 20ha ổi và một số cây ăn quả khác như hồng xiêm, đu đủ. Năm 2021, hợp tác xã đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm ổi và được đánh giá đạt 4 sao. Do được đưa vào hệ thống nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng sạch, nhờ đó lượng tiêu thụ và doanh thu từ ổi tăng lên gấp rưỡi. Năm 2023, hợp tác xã tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm táo đại và được đánh giá đạt 3 sao - Giám đốc Nguyễn Hữu Quang chia sẻ.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong sạch Trung Kiên (thôn Minh Hiệp 1, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) cũng là một trong những cơ sở sản xuất của huyện chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất miến theo dây chuyền khép kín nên sản phẩm miến của cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm, tiết kiệm được rất nhiều công đoạn sản xuất thủ công trước kia. Từ năm 2020, cơ sở đăng ký tham gia Chương trình OCOP đối với sản phẩm miến dong sạch và đã đạt 4 sao. Sau 3 năm, sản phẩm được đánh giá lại theo quy định và được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Hoài Đức chấm đạt OCOP 4 sao.

Để đạt được kết quả trên, UBND huyện Hoài Đức đã hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn huyện đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình; khuyến khích các chủ thể là HTX và doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP từ các làng nghề, làng nghề truyền thống, xã đạt chuẩn NTM nâng cao; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cấp máy móc thiết bị để nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với đó, thúc đẩy các phong trào phụ nữ, nông dân, thanh niên khởi nghiệp, khuyến khích thanh niên, phụ nữ, nông dân, trí thức trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế (có sản phẩm tham gia chương trình OCOP) về đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. Thiết kế nhãn hiệu bao bì để nhận diện, in tem đăng ký nhãn hiệu, thuê chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP…

Phối hợp với các sở, ngành của thành phố hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ISO... cho các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng cấp sản phẩm OCOP. Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao bì, tem, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm tập thể cho các sản phẩm. Tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản của thành phố.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá, gìn giữ và phát huy giá trị sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề, tạo cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết đến, cũng như ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, an toàn, chất lượng, huyện Hoài Đức đã khai trương 4 điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Khu đô thị mới Bắc An Khánh, xã An Khánh; thôn 2, xã Cát Quế; Cụm công nghiệp Di Trạch, xã Di Trạch; Khu đô thị An Lạc, xã Vân Canh.

Mở rộng các điểm tiêu thụ sản phẩm OCOP

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội và góp phần đẩy mạnh giao thương, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, huyện đã chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời, khai trương các điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để tiêu thụ, quảng bá những sản phẩm OCOP của huyện.

Tuy nhiên, để người tiêu dùng trong cả nước biết đến, tin tưởng lựa chọn sản phẩm, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô nói chung, huyện Hoài Đức nói riêng, huyện rất mong các cơ quan, đơn vị của thành phố tiếp tục quan tâm, quảng bá sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; giúp huyện kết nối, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện sẽ tích cực động viên, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm đã đạt OCOP; tiếp tục đăng ký thêm nhiều sản phẩm khác tham gia Chương trình OCOP, nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.