Hợp tác xã – 'Bệ đỡ' để nông nghiệp phát triển (Kỳ 2): Dẫn dắt nông dân phát triển bền vững
Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của Đắk Nông đang thể hiện rõ vai trò dẫn dắt nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững.
Sản xuất hồ tiêu hữu cơ
Năm 2018, tại xã biên giới Thuận Hà, huyện Đắk Song, HTX Nông nghiệp –TM-DV hữu cơ Hoàng Nguyên thành lập. Đây là đơn vị đầu tiên của tỉnh có sản phẩm hồ tiêu được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Bí thư chi bộ thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh là một trong những người tiên phong dẫn dắt nông dân của huyện Đắk Song tham gia vào HTX cùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ
Ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Bí thư Chi bộ thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh, đồng thời là Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, là một trong những người tiên phong dẫn dắt, tập hợp nông dân của huyện Đắk Song tham gia vào HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ.
Có trong tay bằng đại học luật nhưng ông Nguyên “bẻ lái” chọn làm một nông dân gắn bó với cây hồ tiêu. Tâm huyết với hồ tiêu, ông đến các viện nghiên cứu, tìm gặp các chuyên gia, nguyên cứu kỹ lưỡng tài liệu về cây trồng này. Sau đó, ông áp dụng sản xuất hữu cơ trên chính 7,5ha hồ tiêu của gia đình.
Ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên để cỏ trong vườn hồ tiêu để giữ cho đất ẩm và sẽ cắt làm phân cho vườn rẫy
Năm 2014, ông Nguyên và một số hộ dân bắt đầu “theo đuổi” hồ tiêu hữu cơ. Đến năm 2018, thì thành lập HTX Hoàng Nguyên và vận động được 21 hộ cùng tâm huyết, cùng chí hướng tham gia.
Cũng năm đó, HTX có 7/21 hộ thành viên được tổ chức CONTROL UNION chứng nhận gần 18ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hồ tiêu hữu cơ quốc tế của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và rộng đường xuất khẩu.
“Năm 2018 cũng là năm đầu tiên chúng tôi thí điểm chào hàng sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của Đắk Nông và bán hết 20 tấn. Khi các công ty, doanh nghiệp biết được chất lượng sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX thì số lượng hồ tiêu được các đối tác đặt hàng hàng năm tăng lên”, ông Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyên trồng cỏ chăn nuôi dê, bò lấy phân ủ bón cho hồ tiêu
Theo ông Nguyên, thời gian đầu vận động người dân vào HTX rất khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian bị dịch bệnh, hồ tiêu trồng theo cách cũ chết hàng loạt thì bà con mới thấy rõ chúng tôi sản xuất hữu cơ là bền vững. Giai đoạn đó, tất cả các vườn hồ tiêu của thành viên HTX Hoàng Nguyên vẫn xanh tốt, năng suất ổn định từ 4 - 5 tấn/ha.
"Thành quả đó là việc HTX đã thực hiện việc trồng và chăm sóc hồ tiêu với phương pháp “5 không”. Đó là không dùng phân hóa học, không dùng thuốc hóa học, không dùng biến đổi gien, không dùng chất kích thích hóa học và không dùng thuốc trừ cỏ hóa học.
Việc chăm sóc hồ tiêu HTX chỉ dùng phân chuồng, phân vi sinh, diệt trừ sâu bệnh thì dùng chế phẩm sinh học", ông Nguyên chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, HTX Hoàng Nguyên có 700ha của 202 hộ dân trồng hồ tiêu hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Trong số đó có gần 197ha đã được Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Vũ Đình Tiến, thành viên HTX có 4ha hồ tiêu được chứng nhận các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Ông Tiến cho biết, từ khi trở thành thành viên của HTX luôn được bảo vệ quyền lợi.
“Trước đó, tôi cũng làm hồ tiêu hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận, bán cho đại lý với giá như hồ tiêu thông thường. Khi vào HTX, vườn hồ tiêu của gia đình được chứng nhận hữu cơ quốc tế thì không bị ép giá mà cao hơn nhiều, đầu ra ổn định”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Vũ Đình Tiến, thành viên HTX Hoàng Nguyên có 4ha hồ tiêu hữu cơ, mỗi năm trung bình đạt sản lượng 20 tấn
“Tôi còn nhớ giai đoạn 2019-2020, giá hồ tiêu thông thường trên thị trường 35.000 đồng/kg, hồ tiêu hữu cơ chỉ 45.000 -47.000 đồng/kg. Sau đó, HTX Hoàng Nguyên thương lượng và bán được cho bà con với giá 66.000 đồng/kg. Rõ ràng, vai trò của kinh tế tập thể, HTX cực kỳ quan trọng đối với nông dân”, ông Tiến nhớ lại.
Nâng cao chất lượng cà phê
Trong số 230 HTX nông nghiệp của Đắk Nông có 150 HTX tập hợp nông dân trồng cà phê. Nhiều năm qua, các HTX ở Đắk Nông đã dẫn dắt nông dân áp dụng giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê... để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An khuyến khích thành viên phát triển cà phê chất lượng cao
Đắk Nông đã công nhận vùng trồng cà phê tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil với diện tích gần 350ha, trong đó có sự tham gia tích cực của HTX Công Bằng Thuận An.
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, huyện Đắk Mil cho biết: HTX có 112 thành viên sản xuất 480ha cà phê. HTX tổ chức sản xuất bài bản, sản lượng cà phê trên của các thành viên luôn ổn định ở mức 3-4 tấn/năm.
Nhiều năm qua, sản phẩm của HTX được cấp Chứng chỉ thương mại công bằng (Fairtrade) gia nhập vào thị trường cà phê chất lượng cao của thế giới.
HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An đầu tư chế biến cà phê bột và đạt OCOP 4 sao
HTX Phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, xã Nam Nung, huyện Krông Nô có 240 thành viên trồng 500ha cà phê phát triển theo hướng chất lượng cao gắn chuỗi giá trị.
Hiện tại, HTX đang canh tác 10ha cà phê theo hướng hữu cơ theo Đề án khuyến nông Trung ương và 120ha cà phê theo tiêu chuẩn RA. HTX phấn đấu trong vài năm tới tăng diện tích cà phê đặc sản, ứng dụng công nghệ cao lên tầm 300ha.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết phát triển cà phê đặc sản
Các HTX đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, chế biến cà phê, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Liên kết để cùng nhau phát triển
Thực tiễn sản xuất tại các HTX cho thấy, liên kết đã góp phần tháo gỡ nút thắt và cùng nhau phát triển sản xuất nông nghiệp.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực cà phê, đến nay, trong số 25 chuỗi liên kết sản xuất cà phê có 12 HTX, 13 doanh nghiệp thu hút 7.700 hộ sản xuất 13.300ha, sản lượng gần 41.000 tấn/năm.
Các HTX cùng với các cá nhân, doanh nghiệp ở Đắk Nông đã có 23.500ha cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận như 4C, RA, GlobalGAP, hữu cơ.
Đóng góp của các HTX trong tập hợp nông dân sản xuất cà phê bài bản, chất lượng góp phần khẳng định uy tín của nông sản Đắk Nông trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mỗi năm HTX Hoàng Nguyên xuất bán từ 200-400 tấn hồ tiêu hữu cơ cho các công ty để xuất khẩu
HTX Phát triển sản xuất Công Bằng Thanh Thái (Krông Nô) đang thực hiện liên kết sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị. HTX thu mua, rang xay cà phê bột và cung ứng cho các công ty.
Hiện nay, HTX liên kết với 2 công ty trên địa bàn tỉnh và 2 công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Nông dân sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sạch sẽ được bảo đảm về đầu ra.
Tương tự, nhiều năm nay, HTX Nông Lâm nghiệp Đắk Mil, huyện Đắk Mil đã chọn hướng phát triển cà phê theo chuỗi giá trị. Hiện nay, HTX đang liên kết với 30 hộ dân sản xuất cà phê chất lượng cao.
HTX chọn những giống cà phê chất lượng và cung cấp cây giống cho các hộ. Ngoài ra, HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc để cà phê đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao và bán cho các nhà rang xay với giá cao gấp đôi so với thị trường.
Ông Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã liên kết chặt chẽ với nông dân, các HTX cùng sản xuất hồ tiêu và các doanh nghiệp để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, bảo đảm cung ứng nguồn hàng cho đối tác.
Trong 3 năm qua, mỗi năm HTX Hoàng Nguyên xuất bán từ 200-400 tấn hồ tiêu hữu cơ cho các công ty để xuất khẩu. HTX luôn bán hồ tiêu cho các thành viên với giá cao hơn thị trường”.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết có 101ha cà phê đạt 4C
Đồng chíLê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng: “Hiện nay, nhiều HTX ở Đắk Nông cùng trồng trọt, chế biến cà phê, hồ tiêu nhưng chưa hợp tác, liên kết với nhau rộng rãi. Do đó, khi các đối tác muốn mua số lượng lớn hàng hóa thì từng HTX không đáp ứng được. Các HTX nên hợp tác, liên kết, thậm chí nên thành lập liên hiệp HTX để đáp ứng các đơn hàng lớn và làm chủ giá cả”.