Hợp tác xã góp sức xây dựng nông thôn mới nâng cao

Chia sẻ:

Thời gian qua, các HTX luôn tích cực thực hiện tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, các HTX có thể hoàn thành 2/3 chỉ tiêu trong đó. Những chỉ tiêu còn lại nếu được hỗ trợ và đồng hành từ chính quyền các cấp thì các HTX cũng có thể thực hiện.

 

Trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao tại một hợp tác xã ở Phú Yên, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PV

Trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao tại một hợp tác xã ở Phú Yên, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PV

Tp trung vào ch tiêu trng tâm

HTX coi chỉ tiêu có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn là chỉ tiêu trọng tâm trong 6 chỉ tiêu của tiêu chí 13. Chỉ tiêu này liên quan đến việc hoàn thành các chỉ tiêu còn lại.

Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), ban đầu đơn vị chưa có kế hoạch xây dựng thương hiệu nông sản địa phương theo chuẩn OCOP, bởi nhiều HTX đã làm đối với lúa gạo. HTX cũng từng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa giống và nhận thấy giữ được thương hiệu không dễ. Do chi phí sản xuất, chế biến đáp ứng các quy chuẩn cao, nếu sản phẩm không bán được giá cao sẽ thu không đủ chi.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, gần nhất là đáp ứng tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, HTX chủ động quy hoạch vùng sản xuất, tự đầu tư kinh phí thiết kế mẫu mã bao bì, làm các chứng nhận tiêu chuẩn… Đến tháng 11/2023, sản phẩm gạo chất lượng Hòa Quang Nam đạt OCOP 3 sao.

Sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng của HTX Nông nghiệp An Nghiệp đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2021. Tính đến tháng 12/2023, sản phẩm này hết hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc chỉ tiêu có sản phẩm OCOP của xã không đạt. Để khẳng định chất lượng sản phẩm và tiếp tục đồng hành cùng xây dựng NTM nâng cao, HTX này hoàn tất hồ sơ đăng ký theo chuẩn OCOP từ đầu năm 2024.

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX này cho biết: Để xây dựng NTM nâng cao, việc đầu tiên là có sản phẩm OCOP đạt chuẩn làm cơ sở để ứng dụng chuyển đổi số, bán sản phẩm qua kênh thương mại điện tử… HTX cũng xây dựng được mã vạch cho sản phẩm và đang làm mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc tăng độ tin cậy cho khách hàng. Việc tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu như cách HTX tự nâng tầm hoạt động.

Sản phẩm gạo chất lượng Hòa Quang Nam đạt OCOP 3 sao sẽ là bước đệm để hoàn thành các chỉ tiêu của tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: MINH DUYÊN

Sản phẩm gạo chất lượng Hòa Quang Nam đạt OCOP 3 sao sẽ là bước đệm để hoàn thành các chỉ tiêu của tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: MINH DUYÊN

HTX hoàn thin theo nông thôn mi

Từ NTM đến NTM nâng cao, HTX cũng từ một tổ chức sản xuất thành tổ chức kinh tế có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trên nông sản địa phương, quản trị sản phẩm OCOP được xếp hạng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất chế biến; đồng thời tiến tới ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và lấy thương mại điện tử là cánh cửa tham gia thị trường… Chính quá trình đồng hành cùng NTM đã thúc đẩy HTX củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.

Ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (TX Đông Hòa) cho biết: Tham gia xây dựng NTM nâng cao từ năm 2021, HTX triển khai mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng với giống Đài thơm 8 trên diện tích 20ha. Lúa sau thu hoạch cho năng suất cao, gạo có độ thơm nhẹ, mềm dịu rất thích hợp sản xuất gạo chất lượng cao nên HTX chế biến thành sản phẩm gạo chất lượng Hòa Thành. Hiện nay, 2 nông sản chủ lực của địa phương là gạo chất lượng và lúa giống đều được đăng ký nhãn hiệu tập thể. Riêng gạo được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh (năm 2022).

Cùng với đó, năm 2023, HTX xây dựng thành công mã vùng trồng tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. “Nhờ tham gia xây dựng NTM nâng cao mà hoạt động sản xuất, chế biến, quản trị nông sản địa phương của HTX ngày một chuyên nghiệp. Vai trò của HTX với đời sống thành viên và bà con cũng được củng cố thêm”, ông Hậu nói.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), đến nay, toàn tỉnh có 18 HTX có sản phẩm thương mại trên nông sản địa phương. Trong đó, nhiều HTX thực hiện đăng ký mã vạch, xây dựng mã vùng trồng. Thông qua kênh của Liên minh HTX và Sở NN&PTNT, các sản phẩm của HTX đều được xúc tiến thương mại qua các kênh thương mại điện tử.

“Khảo sát thực tế cho thấy, trong khi chính quyền cơ sở kêu khó với việc hoàn thành các chỉ tiêu của tiêu chí 13 thì các HTX lại khẳng định không khó và có thể làm được. Đây là dấu hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy nhiều HTX đang dần tự chủ trong nắm bắt yêu cầu phát triển và từng bước hoàn thiện mình”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

"Các chỉ tiêu còn lại được cho là khó như ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế tích hợp đa giá trị gồm kinh tế, văn hóa, môi trường, nếu được trợ lực về vốn, nhân lực, HTX cũng sớm hoàn thành. Nút thắt ở các đơn vị kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX phát triển không đồng đều nên HTX mạnh đủ sức đáp ứng tất cả các chỉ tiêu của tiêu chí 13 nâng cao nhưng cũng có HTX mới chỉ dừng lại ở mô hình kinh tế hoạt động theo Luật HTX. Việc gỡ nút thắt này nằm ở chính các HTX và chính quyền cơ sở vì chỉ khi HTX muốn nâng chất lượng hoạt động và địa phương muốn hoàn thành tiêu chí 13 nâng cao thì mới đồng hành cùng gỡ khó từng chỉ tiêu." - Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh