Giải pháp chế biến sâu: 'Cú huých' cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, OCOP Điện Biên
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu là 'trợ lực' cho sản phẩm nông sản Điện Biên.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thưa ông, trong những năm qua, nhằm thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với các thế mạnh của địa phương. Tỉnh Điện Biên đã triển khai những giải pháp nào?
Nhằm hỗ trợ khơi thông đầu ra cho sản phẩm công nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh, thời gian qua, địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và khuyến công. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất chế biến, tổ chức các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác phát triển thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài như hội chợ, triển lãm, các hội nghị, diễn đàn, trên môi trường điện tử thông qua hỗ trợ xây dựng ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Năm 2023, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện, xây dựng điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền của tỉnh. Đến nay, điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền đã hoàn thành và đưa vào vận hành, hỗ trợ tối đa công tác quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh đến nhân dân, du khách trong và ngoài nước.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Điện Biên đã công nhận 72 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và 17 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Các sản phẩm được công nhận OCOP, sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề và nghề truyền thống.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, song, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên sản xuất công nghiệp chủ yếu vẫn quy mô nhỏ, đa số là hộ kinh doanh cá thể, sản phẩm sản xuất phần lớn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Điện Biên xác định, chú trọng phát triển ngành công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?
Theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định, phát triển ngành công nghiệp tỉnh Điện Biên trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế.
Cụ thể, tỉnh xác định phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: Gạo tại huyện Điện Biên; vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên; vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé; vùng chè Tủa Chùa; vùng Mắc Ca tại Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên... tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất công nghiệp.
Công ty Cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc tế đã triển khai hệ thống máy móc hiện đại trong việc chế biến sản phẩm cà phê, nâng cao chất lượng và đầu ra cho sản phẩm
Đặc biệt, tỉnh cũng khuyến khích sắp xếp các hộ chế biến từng bước chuyển thành một số cơ sở chế biến tập trung, hình thành các chuỗi liên kết để giải quyết việc xử lý môi trường và tăng chất lượng sản phẩm. Gia tăng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị của ngành đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch, tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, từng bước sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Phát triển trên cơ sở gắn với liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa ngành công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.
Ngay từ khi tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ngành yêu cầu các nhà đầu tư phải gắn dự án với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến bảo đảm tính hiệu quả, bền vững.
Thời gian tới, Sở Công Thương có giải pháp gì để thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khơi thông đầu ra cho sản phẩm công nghiệp, đặc sản, OCOP địa phương, hướng tới xuất khẩu, thưa ông?
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục, lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân tham gia Chương trình OCOP thông qua các chương trình, Kế hoạch hoạt động của ngành. Vận hành hiệu quả điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, đặc sản vùng miền. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP thực hiện đúng các quy định, yêu cầu đối với sản phẩm, để nâng cao điểm đánh giá các tiêu chí thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
Hỗ trợ sản phẩm OCOP và chủ thể sau chứng nhận thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên tại các hội chợ, phiên chợ, hội nghị tại các tỉnh, thành phố trong nước; Tổ chức tham gia hội nghị giao thương kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Hàng năm, lập kế hoạch và ngân sách cho hoạt động khuyến công liên quan đến các tổ chức kinh tế hình thành bởi Đề án; thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong tỉnh. Tổ chức đến các huyện trong tỉnh nắm bắt tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Thời gian qua, Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài như hội chợ, triển lãm, các hội nghị, diễn đàn... nhằm thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia các chương trình khuyến công, hoạt động triển lãm thương mại, hoạt động trưng bày giới thiệu sản phẩm, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử có uy tín.
Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thực hiện theo Quyết định số 950/QĐ-BCT ngày 18/4/2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2023 - 2025.
Đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh, đến các thị trường trong và ngoài nước hướng tới xuất khẩu các mặt hàng chủ lực và có thế mạnh của Tỉnh ra nước ngoài, nhất là các thị trường mới (ngoài thị trường truyền thống) trong thời gian tới.