'Số hóa' hợp tác xã
Kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao, “số hóa” trong nông nghiệp đã trở thành xu hướng đột phá, đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp bền vững. Tại xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay đã hình thành 5 hợp tác xã (HTX) và 1 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hoạt động hiệu quả cao.
Huyện Phú Riềng hiện có 27 HTX nông nghiệp, 20 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và 17 trang trại hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, địa bàn huyện có 21 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao.
Hướng đi mới
Thành lập từ tháng 5-2019, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng thu hút 39 thành viên tham gia với diện tích gần 100 ha cây ăn trái. Ngay từ đầu, chủ trương của HTX là sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Để đáp ứng nền kinh tế thị trường phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, HTX đẩy mạnh sản xuất sầu riêng tươi. Và việc đưa HTX phát triển theo hướng mới, hội nhập quốc tế đem lại nhiều lợi ích thiết thực.
Lãnh đạo xã Phước Tân tham quan mô hình trồng sầu riêng theo hướng VietGAP của thành viên HTX cây ăn trái Nông Thành Phát
Giám đốc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát Nguyễn Xuân Hòa cho biết: HTX thành lập và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Bởi vậy, chỉ sau thời gian ngắn thành lập đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Cụ thể, HTX quản lý chặt chẽ đầu vào - đầu ra, mua - bán chung nhằm đem sản phẩm chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng. Nếu HTX nào cũng làm được như vậy thì sẽ thành công lớn, lợi ích lớn cho các thành viên.
Nhận thấy hiệu quả từ kinh tế tập thể, năm 2022, HTX cây ăn trái Tân Tín, xã Phước Tân được thành lập với 20 thành viên, diện tích 72 ha cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng. Dù thành lập chưa lâu nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như phát triển kinh tế tập thể giai đoạn mới, HTX đã đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, phân phối lợi nhuận theo thỏa thuận liên kết hợp tác.
Không chỉ HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, Tân Tín mà nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Tân đã và đang phát triển theo hướng đi mới, hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường, đơn vị đối tác. Đó là sản xuất theo hướng VietGAP, đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn mã vùng trồng xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm OCOP để tạo thương hiệu.
Giám đốc HTX cây ăn trái Tân Tín Chu Văn Việt cho biết, hiện nay đã hội nhập kinh tế quốc tế, phía Trung Quốc yêu cầu phải có mẫu mã, sản phẩm tươi, sạch, đảm bảo an toàn, nên bắt buộc HTX phải đổi mới, thực hiện đúng quy trình đối tác đưa ra, đó là gắn mã vùng trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng. Do đó, việc thành lập HTX đã đáp ứng các yêu cầu của thị trường, đối tác và quan trọng là đưa HTX phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao cho các thành viên.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu OCOP, gắn mã vùng trồng, “số hóa” sản phẩm… là những tiêu chí thiết yếu của quá trình hội nhập. Từ đó đáp ứng yêu cầu đối tác, làm ra cái thị trường cần, mặt khác, mình cũng yên tâm khi đưa nông sản sạch, chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ đến tay người tiêu dùng. Giám đốc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát NGUYỄN XUÂN HÒA |
Khởi sắc nông thôn mới
Phước Tân là xã thuần nông được đầu tư về đích NTM năm 2023. Chia sẻ về những điểm nhấn trong xây dựng NTM trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Phước Tân Vũ Mạnh Hùng cho biết, đó là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế tập thể, từ đó thu nhập, mức sống của người dân từng bước được nâng cao, năm 2023 đạt khoảng 70 triệu đồng/người. Hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng mở rộng, khang trang, hiện đại kết hợp trồng cây xanh, lắp hệ thống đèn đường đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xã có 3 trường học đều được huyện quan tâm đầu tư xây dựng nhiều phòng học mới, đáp ứng nhu cầu dạy và học cho con em trên địa bàn…
Ông Hùng cho biết thêm, ngoài hoàn thành các tiêu chí theo quy định, địa phương đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế tập thể để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời hoàn thành tiêu chí sản xuất trong xây dựng NTM. Dù thành lập chưa lâu nhưng các HTX và tổ hợp tác nông nghiệp thu hút đông thành viên tham gia, hoạt động hiệu quả và đây cũng là điểm nhấn nổi bật của huyện Phú Riềng. Để hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững, lãnh đạo xã Phước Tân thường xuyên làm việc với giám đốc 5 HTX nhằm vận động các nông hộ có đất sản xuất tiếp tục tham gia HTX phát triển theo mô hình mới; đồng thời tích cực chuyển đổi giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao.
Ngoài cây cao su, điều, tại xã Phước Tân diện tích cây sầu riêng trồng mới ngày càng tăng. Toàn xã hiện có 386 ha cây sầu riêng và đang có xu hướng tăng trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài thu hút hội viên tham gia kinh tế tập thể, lãnh đạo địa phương đang vận động các chủ thể hoàn thiện thủ tục chứng nhận sản phẩm OCOP để tạo thương hiệu về chất lượng và làm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa.
Thành viên Hợp tác xã cây ăn trái Tân Tín, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng tham quan, học hỏi mô hình sản xuất mới
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: “Ngoài diện tích hiện có, năm 2024, diện tích cây sầu riêng trồng mới khoảng 50 ha. Vì vậy, lãnh đạo xã đang vận động các nông hộ này tham gia HTX hiện có hoặc thành lập thêm HTX. Về sản phẩm OCOP, xã có 3 sản phẩm được chứng nhận 3 sao và đang hoàn thiện hồ sơ chứng nhận thêm 1 sản phẩm OCOP trong năm nay”.