HTX và vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp
Chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, thúc đẩy vai trò của các HTX và doanh nghiệp. Từ đó, hình thành lên nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại không ít các địa phương trong cả nước.
Vai trò trung tâm
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, HTX không phải chỉ là phép cộng của các thành viên mà là cấp số nhân tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, tạo ra sức sống mới cho nông thôn, cho kinh tế nông nghiệp. Các HTX sẽ là mạng lưới cung cấp nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu.
Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: vnbusiness
Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã được hỗ trợ về nhiều mặt (đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao công nghệ; tiếp cận vốn; đầu tư kết cấu hạ tầng…). Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2022 đã có khoảng 2,6 nghìn HTX nông nghiệp được hỗ trợ về phát triển kết cấu hạ tầng với kinh phí hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2023, có 11 tỉnh, thành phố triển khai hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau với tổng kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT hiện đang thực hiện dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cho các HTX với tổng mức đầu tư khoảng 440 tỷ đồng.
Các HTX vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng góp gần 4% GDP), vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình (hiện đang chiếm khoảng 30% GDP cả nước). Ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau… nhiều HTX đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu. Các sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước có trên 5,3 nghìn chủ thể, trong đó có 38,1% là từ các HTX.
Điển hình liên kết sản xuất, gia tăng giá trị
Những năm qua, cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất đang giúp nhiều xã viên của các HTX tại nhiều địa phương trong cả nước phát triển thành công những mô hình nông nghiệp, thủy sản cho giá trị kinh tế vượt trội, nổi bật như nuôi tôm công nghệ cao, sản xuất lúa – tôm hữu cơ…
Nguồn lợi từ tôm – lúa đã góp phần thay đổi cuộc sống của nông dân tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Văn Dương
Huyện An Minh tỉnh Kiên Giang là vùng đất chiêm trũng nhiễm phèn, trước đây chỉ canh tác 1 vụ lúa mùa kéo dài 5 – 6 tháng mới thu hoạch; nhưng từ năm 2016 nông dân một số xã đã bắt đầu tiếp cận mô hình tôm – cua – lúa hữu cơ. Hiện nay, hầu hết nông dân tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh đều sản xuất tôm – lúa hữu cơ nên đã có được vùng nguyên liệu trên 500 ha. HTX Tôm – cua – lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh) được thành lập từ năm 2016 với 13 thành viên, diện tích sản xuất chưa đến 20 ha, đến năm 2018 HTX đã vận động thành viên chuyển sang sản xuất theo mô hình tôm – lúa, đồng thời ký kết hợp đồng với một số doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ xuất khẩu. Đến nay, HTX tăng lên 61 thành viên, quy mô sản xuất 300 ha sản xuất theo mô hình tôm – lúa hữu cơ và được Công ty Đại Dương Xanh bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giống lúa chủ lực là ST5.
Năm 2022, HTX cung ứng 1.100 tấn lúa hữu cơ cho doanh nghiệp trên diện tích gieo trồng là 350 ha. Năm 2023, vùng sản xuất được mở rộng lên gần 400 ha lúa đạt chuẩn hữu cơ. Lợi nhuận hàng năm bình quân của hộ thành viên đạt từ 24 – 25 triệu đồng/ha, có những nông dân giỏi đạt được trên 30 triệu đồng/ha. Theo đại diện HTX, trên quy mô 1 ha, nông dân thu được lợi nhuận từ con tôm sú, lúa hữu cơ và các loài thủy sản khác khoảng 180 – 200 triệu đồng/năm. Mặc dù, thu hoạch lúa thủ công nhưng nông dân hài lòng do trong lúc thu hoạch lúa dưới ruộng vẫn còn tôm, cua, cá nên nông dân chắc chắn có thêm lợi nhuận. Ngoài ra, HTX đã kết nối với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú triển khai các quy trình nuôi tôm tiên tiến, tiến tới chứng nhận tôm đạt chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị cho con tôm.
Tại tỉnh Bến Tre, gần 3 năm trở lại đây, 20 hộ thành viên của Tổ hợp tác lúa – tôm ấp An Bình (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) đã duy trì mức lợi nhuận từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng nhờ mô hình “con tôm ôm cây lúa”, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bình quân mỗi năm, mỗi hộ thành viên trong Tổ hợp tác thu về 50 – 120 triệu đồng. Cũng giống như ở An Nhơn, tại các địa phương khác của huyện Thạnh Phú như: Mỹ An, An Quy, An Thuận… cũng đang dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy mô hình lúa – tôm, tạo đòn bẩy giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Theo UBND huyện Thạnh Phú, nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, năng suất lúa trung bình tại các vùng sản xuất lúa – tôm đạt trên 4,2 tấn/ha. Tổng quan, mô hình lúa – tôm ở Thạnh Phú cho lợi nhuận bình quân 70 – 80 triệu đồng/ha/năm, đồng thời cho thấy sự thích nghi với biến đổi khí hậu. Địa phương cũng đặt mục tiêu xây dựng vùng sản xuất tôm – lúa đạt tiêu chuẩn ASC đến năm 2025 đạt diện tích 2.000 ha trên địa bàn các xã Tiểu vùng 2 và 3…
PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đánh giá, bản thân hệ thống canh tác lúa – tôm đã là tuần hoàn và thuận tự nhiên, kết hợp với quy trình sản xuất hữu cơ nữa thì rất tốt. Mô hình tôm – lúa đang là hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững. Lúa cấy xong thì rơm rạ phân hủy cung cấp thức ăn cho con tôm. Sau vụ nuôi tôm, chất thải con tôm thải ra là nguồn dinh dưỡng nuôi cây lúa. Đó là vòng tuần hoàn khép kín mà nông dân không phải đầu tư thêm nhiều vật tư đầu vào nên giảm được chi phí sản xuất.
HTX Chợ Bến đang là một trong những điển hình về phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài sản xuất muối truyền thống, các thành viên HTX đang mở rộng nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 11 ha, một năm nuôi 3 vụ, thu hoạch từ 2 – 2,5 tấn tôm/ao. Để nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ cho thành viên, HTX Chợ Bến đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản lượng tôm nguyên liệu với giá ổn định. HTX cũng xây dựng kế hoạch nuôi tôm, sản xuất muối kết hợp với phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng lợi thế vị trí thuận lợi, thu hút khách du lịch nhằm phát triển HTX ổn định, bền vững. Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với mô hình nuôi tôm an toàn sinh học “C.P. Biotic Farming”. Mô hình này kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại, rút ngắn thời gian nuôi, lợi nhuận thu về khoảng 30% trên tổng doanh thu.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn chia sẻ, những kết quả đạt được của toàn ngành nông nghiệp có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Các HTX nông nghiệp đã trở thành một mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.