Hưng Yên công nhận hơn 270 sản phẩm OCOP
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 271 sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được công nhận; trong đó 225 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025 có 265 – 280 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Cùng với phát triển các sản phẩm mới, việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, qua đó đáp ứng nhu cầu về lượng cũng như nâng cao về chất của sản phẩm OCOP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, sau 6 năm triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương, cơ sở đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Cùng đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm, chế biến, chế biến sâu các sản phẩm truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm OCOP như: sản phẩm nhãn lồng, hạt sen long nhãn, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân… là những đặc sản riêng có của mảnh đất Hưng Yên.
Nhãn lồng Hưng Yên được dán tem truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Đáng chú ý, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như hỗ trợ 22 chủ thể về máy, thiết bị, hạ tầng; hỗ trợ xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 32 sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 271 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó 225 sản phẩm đạt 3 sao và 46 sản phẩm đạt 4 sao.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Văn Thắng khẳng định: Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về phát triển sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như: làng nghề truyền thống dược liệu Nghĩa Trai (huyện Văn Lâm); làng nghề mộc mỹ nghệ Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào); làng nghề sản xuất và chế biến nghệ Chí Tân (huyện Khoái Châu); làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan (huyện Văn Giang); làng nghề truyền thống hương thôn Cao (thành phố Hưng Yên)...
Đến nay, tỉnh có 35 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: nhãn lồng Hưng Yên; nghệ Chí Tân; vải trứng Hưng Yên; cam Hưng Yên; gà Đông Tảo; sen Hưng Yên...
"Chương trình OCOP cũng đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang tập trung, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, nhất là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển sản xuất. Qua đó, đã góp phần hình thành 215 mô hình liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm hoạt động có hiệu quả", ông Thắng cho hay.
Ông Lê Văn Thắng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, một số sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm trên địa bàn tỉnh, chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, bao bì sản phẩm còn đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao, sản phẩm xuất khẩu còn ít. Cùng đó, việc, thực hiện đánh giá lại đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên hết thời hạn (36 tháng) chưa được một số địa phương, chủ thể sản xuất thực hiện thường xuyên. Đáng chú ý, có 36 sản phẩm chưa thực hiện việc đánh giá lại...
Lý giải nguyên nhân này, ông Thắng chia sẻ, hiện nay một số chủ thể sản phẩm OCOP chưa chủ động làm hồ sơ đề nghị đánh giá, công nhận lại sản phẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, yếu tố chủ quan là do nhiều chủ thể chưa nắm rõ quy định, xem việc sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP là lâu dài.
Bên cạnh đó, có chủ thể ngại làm hồ sơ, thủ tục vì mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí nên không mặn mà với việc đề xuất đánh giá, công nhận lại sản phẩm. Mặt khác, các sản phẩm OCOP hết hiệu lực chủ yếu là được công nhận theo bộ tiêu chí cũ, nhưng hiện nay, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí mới với nhiều nội dung, tiêu chuẩn khắt khe hơn.
Đáng chú ý, hiện nay sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng. Đây là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trong tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình để đáp ứng các yêu cầu gặp khó khăn.
Để đạt mục tiêu đề ra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần cho biết, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của các địa phương tham gia Chương trình OCOP, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Cùng đó, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp theo Luật hợp tác xã năm 2023 hoạt động hiệu quả; phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Theo ông Lê Trung Cần, tỉnh Hưng Yên khuyến khích việc tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và phát triển sản phẩm OCOP; ưu tiên hỗ trợ chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao, đầu tư máy móc, thiết bị, dây truyền hiện đại thực hiện chế biến và bảo quản sản phẩm OCOP...
Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích, hỗ trợ chủ thể về hồ sơ thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn. Ngoài ra, chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng chủ động tăng cường hỗ trợ hướng dẫn cho các chủ thể nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành thực thi các quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm OCOP.