Hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang hướng đến nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp xanh, sạch nhằm đa dạng hóa sinh kế và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình sản xuất mới với cách làm hay, mang lại hiệu quả cao đã góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
NẤM BÀO NGƯ XÁM TRỒNG TRONG NHÀ LƯỚI
Trồng nấm bào ngư xám không phải là mô hình mới nhưng trồng trong nhà lưới lại là cách làm mới giúp anh Nguyễn Quốc Tuấn ở ấp 5, xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành đang thu về nguồn lợi gần 20 triệu đồng/tháng.
Anh Tuấn đã đầu tư 150 triệu đồng xây dựng trại nấm rộng 150m2, với khoảng 20.000 phôi nấm, hiện anh mới triển khai làm 10.000 phôi. Phôi nấm sau khi nhập trại, chăm sóc khoảng 60 ngày là bắt đầu có nấm thu hoạch. Bình quân mỗi ngày, anh thu hái khoảng 1,5 tạ nấm, với giá bán sỉ 35 ngàn đồng/kg và bán lẻ 50 ngàn đồng/kg.
Mô hình trồng nấm bào ngư xám trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành
Anh Tuấn cho hay, nấm bào ngư ưa bóng râm, phát triển tốt ở môi trường không có ánh sáng và gió. Nấm trồng trong nhà lưới sẽ phát triển và tăng trưởng nhanh. Đặc biệt, lưới có mật độ che nắng lên đến 70% giúp phôi nấm không tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, độ ẩm, nhiệt độ phù hợp. Nấm trồng trong nhà lưới còn có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập, phá hoại của côn trùng, sâu bệnh và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí chăm sóc. Sau mỗi đợt thu hoạch cần vệ sinh miệng phôi sạch trước khi đóng nắp nhằm hạn chế tình trạng nấm độc, nấm xanh phá hủy phôi nấm.
Thời gian đầu, anh Tuấn không có kinh nghiệm nên cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau một vài đợt thu hoạch anh đã dần khắc phục và hạn chế được nấm bệnh phát triển. Anh Tuấn cho biết, điều kiện nhiệt độ tốt nhất cho nấm bào ngư phát triển là từ 25-32OC và độ ẩm từ 80-85%. Để theo dõi sự phát triển của phôi nấm, anh Tuấn còn trang bị máy cảm biến nhiệt độ để điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp và kịp thời.
Theo anh Tuấn, nấm bào ngư cần tưới nước thường xuyên để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nước tưới phải đảm bảo sạch, không chứa tạp chất và hóa chất độc hại. Trung bình tưới 3-4 lần/ngày vào mùa khô, 2-3 lần/ngày vào mùa mưa và tùy điều kiện thời tiết mà linh hoạt tần suất, thời gian tưới phù hợp.
Anh Trần Quý Đức Nhân, Bí thư Đoàn xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành cho biết: Chúng tôi luôn đồng hành với các mô hình khởi nghiệp của thanh niên, từ đó phát hiện và nhân rộng những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Trồng nấm bào ngư xám trong nhà lưới diện tích canh tác không cần nhiều, nhưng phải chú trọng kỹ thuật, thời tiết để đạt năng suất cao. Ngoài ra, chi phí đầu tư ban đầu cũng không quá cao so với các mô hình khác và hạn chế không lây bệnh ảnh hưởng đến năng suất nấm, qua đó giúp đoàn viên thanh niên và người dân có thu nhập ổn định.
GIỮ NGHỀ GIA TRUYỀN
Gia đình bà Vũ Thị Cậy ở tổ 1, thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng gắn bó với nghề làm miến, phở khô hơn 26 năm. Đây là nghề gia truyền của gia đình bà mang từ tỉnh Nam Định vào Bình Phước lập nghiệp.
Sáng tạo trong sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, gia đình bà Cậy có nguồn thu ổn định 15 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi tháng, gia đình bà cần từ 50-70 tạ gạo để làm miến, phở khô. Bà Cậy cho biết, để cho ra sản phẩm miến, phở khô chất lượng thì gạo tẻ phải ngon. Đầu tiên, gia đình bà chọn mua lúa trực tiếp từ người dân địa phương. Lúa sau khi xay lấy gạo sẽ ngâm 2 giờ rồi xay thành bột và ủ thêm 2 giờ để cho vào máy làm ra sợi miến, phở. Sau đó, tiếp tục ủ thêm 8 giờ rồi phơi nắng. Sản phẩm chỉ cần phơi khoảng 6 giờ là đảm bảo độ khô và có thể đóng gói bán.
Theo bà Vũ Thị Cậy, để cho ra sản phẩm miến, phở khô chất lượng thì gạo tẻ phải ngon
Là nghề truyền thống nên gia đình bà Cậy luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu để giữ chữ tín với khách hàng. Sản phẩm làm hoàn toàn từ các nguyên liệu sạch có nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, không chất tẩy trắng và các chất gây hại khác ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Bà Hồ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà cho biết: “Đăng Hà có diện tích đất trồng lúa lớn (chiếm gần 90% diện tích cây hằng năm tại địa phương) và đã có thương hiệu gạo Đăng Hà. Sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sạch tại chỗ được cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời quảng bá và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương”.