Hướng đi nào cho phát triển kinh tế tập thể ở Đức Linh?
Với hơn 60 hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn, kinh tế tập thể (KTTT) đang đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế ở Đức Linh. Tuy nhiên, hiệu quả, vai trò của lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được phát huy đúng với tiềm năng và lợi thế của huyện...
Với hơn 60 hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn, kinh tế tập thể (KTTT) đang đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế ở Đức Linh. Tuy nhiên, hiệu quả, vai trò của lĩnh vực này đến nay vẫn chưa được phát huy đúng với tiềm năng và lợi thế của huyện...
Mô hình rau an toàn của HTX rau an toàn Tiến Phát, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh.
Đức Linh hiện có 39 tổ hợp tác (THT) và 23 hợp tác xã (HTX), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, một số hoạt động trong lĩnh vực vận tải, môi trường. Dù có những đóng góp thường xuyên cho nền kinh tế - xã hội, nhưng quy mô sản xuất của HTX ở Đức Linh còn nhỏ lẻ nên khả năng cạnh tranh thấp. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn yếu, thiếu tính bền vững.
Bên cạnh, việc tiêu thụ nông sản chủ yếu vẫn dựa vào thương lái tự do, mua đứt, bán đoạn phụ thuộc vào thị trường, giá cả bấp bênh, rủi ro cao. Sản phẩm nông sản chế biến sâu chưa đáng kể, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch còn yếu và thiếu. Trình độ và khả năng kinh doanh của đội ngũ quản lý HTX và thành viên còn hạn chế, năng lực cạnh tranh, tiếp cận, mở rộng thị trường kém, hiệu quả thấp. Một số HTX hoạt động hình thức, trông chờ vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.
UBND huyện Đức Linh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do hệ thống chính sách hỗ trợ HTX còn chung chung, văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, khó áp dụng, chưa tạo được hành lang pháp lý cho các HTX có cơ hội tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực đất đai, tài chính – tín dụng, khoa học – công nghệ, thị trường. Trong khi đó, các thành viên HTX chậm đổi mới tư duy về HTX, thiếu sự đoàn kết, thống nhất giữa các thành viên từ khâu hoạt động sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Thành viên hoạt động độc lập không tuân thủ quy định, điều lệ của HTX đã dẫn đến hoạt động của HTX kém hiệu quả hoặc hoạt động cầm chừng.
Để khắc phục những tồn tại trên, Đức Linh đã đề ra định hướng chung về phát triển KTTT, HTX trên địa bàn trong thời gian tới. Theo đó, huyện xác định phát triển KTTT phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển KTTT, HTX trên tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế, ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP. Nâng cao giá trị của HTX đối với thành viên, người lao động về hoạt động cung ứng dịch vụ, tăng thu nhập, thực hiện việc thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Đức Linh phấn đấu đến cuối năm 2025 có trên 60% HTX hoạt động có hiệu quả, trên 50% số cán bộ quản lý HTX được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; trên 50% HTX thực hiện chuỗi giá trị được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phấn đấu đến 2025 có trên 15% HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Trên cơ sở mục tiêu được xác định, huyện sẽ tập trung nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX theo hướng tăng cường hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật HTX. Chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các HTX để kịp thời hướng dẫn các giải pháp xử lý, khắc phục và định hướng phát triển.
Huyện sẽ thường xuyên hỗ trợ HTX trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm để nâng cao chất lượng, giá cả, dịch vụ, giảm chi phí, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, khảo sát, lựa chọn một số địa bàn của huyện có sản phẩm mang tính hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm (rau, quả, cây dược liệu, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, làng nghề...) cùng với thực hiện xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP để đề xuất, bố trí nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hộ nông dân với HTX, HTX với doanh nghiệp…