Huyện Long Phú phát triển các sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP), thời gian qua huyện Long Phú (Sóc Trăng) coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.
Năm 2019, qua triển khai đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, kết quả trên địa bàn huyện có 3 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận xếp hạng 3 sao. Thấy được ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Chương trình OCOP, huyện Long Phú đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho người dân.
Ông Trần Vũ Phong, ấp Phụng Tường 2, xã Song Phụng, huyện Long Phú cho biết: “Trong quá trình thành lập doanh nghiệp, tôi được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương. Và chính sách OCOP hỗ trợ cho tôi bao bì, nhãn mác để làm cho sản phẩm đẹp hơn và những chính sách kiểm nghiệm sản phẩm, các trang thiết bị để hoàn thiện sản phẩm giúp cho tôi hướng sản phẩm gần hơn với người tiêu dùng. Qua đó được Nhà nước chứng nhận và người tiêu dùng tin tưởng đối với sản phẩm”.
Lãnh đạo Huyện ủy Long Phú cùng ngành chuyên môn đến tham quan sản phẩm đông trùng hạ thảo Bảo Đăng ở xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: THANH ĐỒNG
Trong những năm qua, ngành chuyên môn đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các nhóm, hộ gia đình. Các hợp tác xã đã tham gia OCOP nâng cấp, tái cơ cấu tổ chức kinh tế, hoàn thiện hệ thống sản xuất và kinh doanh. Đa dạng hóa hình thức truyền thông, chú trọng hình thức truyền thông qua mạng xã hội…
Ông Nguyễn Hữu Chính, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú bộc bạch: “Khi hợp tác xã có sản phẩm bưởi đạt OCOP thì chúng tôi được rất nhiều lợi thế, trước hết là người tiêu dùng biết đến sản phẩm đạt chất lượng, đơn vị thu mua liên hệ để tiêu thụ sản phẩm, giá trên thị trường cao hơn. Trong thời gian tới, hợp tác xã có hướng cho nông dân sản xuất rải vụ để có sản phẩm chất lượng và thường xuyên hơn để cung cấp cho đơn vị thu mua, mình sẽ được giá cả và đầu ra ổn định”.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Long Phú có 16 sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao là bưởi da xanh Hợp tác xã Trường Phát, xã Phú Hữu, các sản phẩm còn lại đạt 3 sao. Với những giải pháp đồng bộ, bám sát thực tiễn ở cơ sở, tin tưởng rằng Long Phú sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, vừa nâng tầm chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản, vừa tăng thu nhập cho người sản xuất và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.