Huyện Mỹ Đức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 2024

Chia sẻ:

Theo báo cáo của huyện Mỹ Đức, trong đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024, huyện Mỹ Đức có 13 sản phẩm tham gia đánh giá mới. Trong đó, 10 sản phẩm thuộc lĩnh vực công thương, 2 sản phẩm nông nghiệp, công thương nông nghiệp 1 sản phẩm.

Trong 13 sản phẩm, có 5 sản phẩm (tranh thêu tay quốc hoa đón Xuân, tranh thêu tay Văn Miếu Quốc Tử Giám, tranh thêu tay Chùa Một cột, tranh thêu tay hoa hướng dương, tranh thêu tay Thiền sen) thuộc chủ thể HTX thêu tay Mỹ Đức; 3 sản phẩm (Trà xạ đen, Trà cà gai leo, Viên tinh nghệ sữa ong chúa) thuộc chủ thể Công ty TNHH nông nghiệp Mỹ Đức; Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức sở hữu 2 sản phẩm (gối vân gỗ và khăn tơ tằm thêu tay); Cơ sở mây tre Nhân Văn có 3 sản phẩm (Đèn mây đan xoắn ốc, Gương mây đan Như Ý, Đèn tre đan Vân Nhi).

Sản phẩm Trà xạ đen, Trà cà gai leo của Công ty TNHH nông nghiệp Mỹ Đức. Ảnh: NQ 

Sản phẩm Trà xạ đen, Trà cà gai leo của Công ty TNHH nông nghiệp Mỹ Đức. Ảnh: NQ 

Ông Trương Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, 13 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024 đều là sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, thân thiện với môi trường, đảm bảo các tiêu chí tham gia dự thi.

Các chủ thể đều quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định. Các sản phẩm bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Chất lượng về hồ sơ minh chứng cơ bản được hoàn thiện rõ ràng, đánh giá được tình hình tổ chức, hoạt động sản xuất chế biến sản phẩm của các chủ thể tham gia chương trình.

Theo ông Trương Anh Tuấn, sau kết quả đánh giá, chấm điểm, phân hạng sao cho các sản phẩm OCOP, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mỹ Đức tiếp tục đề nghị các chủ thể tham gia dự thi hoàn thiện hồ sơ để đề trình UBND TP Hà Nội đánh giá, phê chuẩn tiêu chuẩn OCOP và phân hạng sao cho sản phẩm.

Việc đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể kinh doanh.

“Đây chính là cơ hội để các chủ thể đam mê sáng tạo và tạo ra những sản phẩm truyền thống có lợi thế cạnh tranh cao và đứng vững trên thị trường, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững” - ông Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.