Huyện Mỹ Tú phát huy lợi thế sản phẩm đạt sao OCOP
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP và 1 cửa hàng bán các sản phẩm OCOP và sản phẩm an toàn. Các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được người tiêu dùng đón nhận và từng bước khẳng định được chất lượng, giá trị trên thị trường.
Một trong số sản phẩm đạt sao OCOP của huyện Mỹ Tú được nhiều khách hàng biết đến là lạp xưởng Sáu Trọng của hộ kinh doanh Cao Thị Ngọc Bích, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ. Bà Cao Thị Ngọc Bích bộc bạch: "Lạp xưởng đã được ba tôi làm hơn 50 năm ông từng là thợ chính cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất lạp xưởng ở thành phố Sóc Trăng. Do tuổi cao nên ba nghỉ việc về địa phương sinh sống. Tôi được học nghề từ ba và bắt đầu làm nghề hơn 2 năm qua. Để làm lạp xưởng ngon, khâu lựa chọn thịt heo rất quan trọng, phải chọn loại thịt tươi và chỗ cung cấp hàng phải có uy tín, loại thịt làm lạp xưởng phải đúng theo yêu cầu. Việc sơ chế thịt, mỡ thật kỹ trước khi ướp các loại gia vị và nhiệt độ sấy lạp xưởng điều chỉnh vừa phải, thì lạp xưởng mới ngon và bảo quản được lâu. Số lượng lạp xưởng được tôi sản xuất từ 70 - 100kg/ngày để cung ứng ra thị trường, giá bán từ 220.000 - 240.000 đồng/kg (tùy thuộc giá thịt). Riêng trong dịp tết Nguyên đán năm 2024, tôi bán khoảng 1,5 tấn lạp xưởng".
Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) có 1 cửa hàng bán các sản phẩm OCOP và sản phẩm an toàn và 12 sản phẩm đạt 3 sao OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU
"Tôi nhận thấy sau khi sản phẩm lạp xưởng đạt sao OCOP thì việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều; số lượng cung ứng trên thị trường tăng hơn 50%. Đầu ra chủ yếu là các cửa hàng bán buôn ở Thành phố Hồ Chí Minh, người tiêu dùng tại địa phương. Vừa qua, ngành chuyên môn và địa phương đến khảo sát để hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất lạp xưởng tại hộ như: máy dồn thịt, máy hút chân không, máy trộn thịt công suất lớn. Khi nhận máy về, tôi sẽ tăng sản lượng sản phẩm lạp xưởng cung ứng ra thị trường. Tôi mong các ngành chuyên môn và địa phương tiếp tục hỗ trợ cho hộ về kết nối tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến doanh nghiệp, công ty, cửa hàng, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh", bà Cao Thị Ngọc Bích chia sẻ thêm.
Hiện tại, huyện Mỹ Tú có nhiều sản phẩm có tiềm năng vào "căn nhà chung" OCOP. Như tại xã Mỹ Hương có món chè bưởi Mỹ Hương nổi tiếng gần 20 năm qua của bà Lê Bửu Châu, ấp Xóm Lớn, xã Mỹ Hương. Bà Bửu Châu tâm sự: "Tôi đã mất rất nhiều thời gian để nấu được món chè bưởi mang hương vị riêng không lẫn lộn với nhiều món chè bưởi khá. Khách đến ăn lần đầu sẽ quay lại ăn lần tiếp theo. Nguyên liệu chính là vỏ bưởi, tôi luôn chọn các điểm bán vỏ bưởi uy tín, chất lượng để mua về sơ chế kỹ, đảm bảo bưởi giòn, không bị đắng khi nấu ra chè thành phẩm".
“Ngoài món chè bưởi, tôi còn sản xuất bánh tét chay cung ứng ra thị trường vào ngày đầu tháng và giữa tháng, đặc biệt ngày tết Nguyên đán hằng năm khách hàng đặt bánh tét chay lên đến hàng trăm đòn. Tôi mong muốn là đưa món chè và món bánh tét chay của hộ tham gia Hội thi đánh giá xếp hạng sao OCOP, để giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng của địa phương có được, cũng như góp phần cho địa phương hoàn thiện tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”, bà Lê Bửu Châu cho biết thêm.
Đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Để nâng cao chất lượng rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng OCOP và hỗ trợ các chủ thể OCOP, huyện sẽ triển khai thực hiện Chương trình OCOP có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn huyện hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP, từ đó kích cầu tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của huyện. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ công chức phụ trách Chương trình OCOP để phát triển sản phẩm tại địa phương và hỗ trợ các chủ thể sản xuất có điều kiện tham gia. Rà soát, kiện toàn hội đồng và tổ giúp việc đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở có tiềm năng về sản phẩm OCOP chưa hoàn thiện về nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm... hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP.