Kết nối cung cầu giữa các vùng miền để tiêu thụ hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn. Đồng thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và chất lượng mẫu mã là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân vùng này. Do đó, thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để tổ chức các các phiên chợ, hội chợ, kết nối cung cầu giữa các vùng, miền để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Gian hàng của Hội Nông dân xã Ia Grăng, huyện Ia Grai tham gia tại Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) năm 2024. Ảnh: Thủy Lê
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: “Các phiên chợ, hội chợ được tổ chức tại các địa phương vùng đồng dào DTTS và miền núi là cơ hội xúc tiến thương mại quan trọng, không chỉ giúp người tiêu dùng được mua sắm sản phẩm đặc sản của địa phương, mà còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) miền núi có cơ hội quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm”. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định: “Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triện hệ thống phân phối hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác”. Do đó, hàng chục phiên chợ, hội chợ kết nối cung cầu được các địa phương tổ chức hàng năm chính là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS& MN, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Mới đây, phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) năm 2024 vừa diễn ra tại đường Lê Lợi, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, với quy mô 40 gian hàng. Tại phiên chợ, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của huyện được bố trí theo gian hàng của từng xã, hoặc gian hàng của từng hộ sản xuất kinh doanh, HTX với các sản phẩm chủ yếu như: Mật ong, gạo A Sanh, hạt điều, các loại đậu đỗ, rau xanh, trái cây, cá cơm Sê San, sản phẩm từ thổ cẩm, đan lát thủ công, tinh dầu, thảo dược, ẩm thực... Các sản phẩm tham gia đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ và các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp huyện và cấp tỉnh.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng thông qua phiên chợ sẽ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp của bà con trong vùng đồng bào DTTS đến người dân trên địa bàn và du khách. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào DTTS, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững”.
Không chỉ tỉnh Gia Lai, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền núi hiện nay đều hướng đến việc mở rộng đầu ra cho sản phẩm từ việc thường xuyên tổ chức các hội chợ, phiên chợ kết nối cung cầu để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Các gian hàng bao gồm các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, từ cà phê, trà, mật ong, hạt điều, hạt mắc ca đến các sản phẩm từ dược liệu, tinh dầu, hàng rau củ quả, hàng tiêu dùng và nhiều hàng hóa đặc sắc của các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội chợ sản phẩm HTX lần thứ II - Đà Nẵng 2024. Ảnh: Thủy Lê
Ví dụ như Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa - đơn vị tham gia Hội chợ sản phẩm HTX lần thứ II - Đà Nẵng 2024, trưng bày một gian hàng bao gồm 40 sản phẩm OCOP của các HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh này. Trong đó, có một số sản phẩm OCOP của các HTX được tiêu thụ, quảng bá rộng rãi trên thị trường trong, ngoài tỉnh Thanh Hóa, như: Chè Bình Sơn, mật ong, các sản phẩm hải sản Vị Thanh, miến dong Yên Lạc... Hội chợ sản phẩm HTX lần thứ II - Đà Nẵng 2024 còn có sự tham gia của 18 liên minh HTX các tỉnh, thành phố trong cả nước và các HTX thành viên. Các liên minh HTX đã trưng bày 42 gian hàng với hơn 500 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, các làng nghề đại diện cho hơn 5.000 HTX trên cả nước.
Tại tỉnh An Giang cũng khởi động “Phiên chợ thương mại tổng hợp huyện Phú Tân năm 2024”, quy tụ các gian hàng của doanh nghiệp, cơ sở trong và ngoài huyện tham gia. Phiên chợ diễn ra đến ngày 26/6, với quy mô khoảng 50 gian hàng, gồm: Hàng may mặc, da giày, mỹ phẩm, trang sức, điện gia dụng, kim khí điện máy, công nghệ thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực... Mang đến phiên chợ các loại hàng hóa, sản phẩm của đồng bào DTTS trong xã như gạo, bơ, sầu riêng, rau xanh, các sản phẩm túi xách, vòng tay làm thủ công, gian hàng của Hội Nông dân huyện Phú Tân cũng đã thu hút rất đông khách đến tham quan và mua sắm.
Một thành viên của Hội Nông dân huyện Phú Tân cho biết: “Các sản phẩm nông nghiệp này đều được bà con trong xã sản xuất hoàn toàn tự nhiên và chủ yếu tiêu thụ tại xã. Do đó, khi được tham gia hội chợ, bà con nông dân rất vui mừng. Vì tại đây, người sản xuất, kinh doanh sẽ được giao lưu, mua bán nhiều mặt hàng đặc trưng, đặc sản của địa phương; từ đó, bà con có cơ hội tìm hiểu về các mô hình kinh tế hay để học hỏi làm theo, cũng như có cơ hội kết nối mở ra hướng tiêu thụ ổn định trong thời gian tới”.
Có thể nói, thông qua các hội chợ, phiên chợ đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể trong việc mở rộng đầu ra cho các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Từ đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đến nay, nhiều sản phẩm địa phương đã vào được các kênh phân phối ở các thành phố lớn.
Cụ thể, các sản phẩm như miến dong, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, gia vị, hàng thổ cẩm... đã được bày bán tại nhiều siêu thị lớn như Saigon Coop, Go, Hapro và được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Các nền tảng thương mại điện tử như Postmart, Lazada, Sendo... cũng tích cực hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm.
Đánh giá về việc tổ chức các phiên chợ, các sự kiện kết nối cung cầu khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có đặc trưng là nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP có chất lượng. Tuy nhiên, do những khó khăn về khoảng cách địa lý, về chi phí vận chuyển, chi phí quảng bá giới thiệu sản phẩm nên việc tiêu thụ các sản phẩm này không dễ dàng. “Trong bối cảnh đó, các phiên chợ, hội chợ được tổ chức tại các địa phương chính là cơ hội xúc tiến thương mại quan trọng, không chỉ giúp người tiêu dùng được mua sắm các sản phẩm đặc sản địa phương, mà còn giúp các doanh nghiệp, HTX miền núi có cơ hội quảng bá, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm” - chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.