Kết nối sản phẩm OCOP với du lịch
Kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là hướng đi cần thiết, vừa góp phần định vị điểm đến, gia tăng trải nghiệp cho du khách, vừa quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội thảo "Đánh giá thực trạng thị trường sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch của Ninh Bình". Ảnh: Anh Tuấn
Tạo lợi thế kép trong phát triển
Ninh Bình là tỉnh có điều kiện tự nhiên đa dạng, sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như phát triển các sản phẩm OCOP. Sau một thời gian tích cực triển khai, đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 181 sản phẩm được công nhận. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ với 111 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 70 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn được các chủ thể chú trọng khâu thiết kế bao bì, mẫu mã, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc.
Chính vì sự gia tăng nhanh chóng sản lượng OCOP nên càng cần phải thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Xuất khẩu theo hình thức thông thường chỉ là 1 kênh, bởi với quy mô sản xuất hiện nay của nhiều sản phẩm OCOP không thể đáp ứng sản lượng cung cấp theo con đường đó. Và lối ra chính là việc tìm giải pháp xuất khẩu qua con đường du lịch.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tỉnh ta có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách. Một bài toán đơn giản, chỉ cần thuyết phục số lượng khách này mua các sản phẩm OCOP đã đem lại hiệu quả rất tốt cho các chủ thể. Vì thế việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng tới khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch là một trong những chủ trương mà tỉnh hướng tới để phát triển Chương trình OCOP.
Nói một cách khác, du lịch chính là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm OCOP. Qua hoạt động du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ lan tỏa đi nhiều nơi. Ở chiều ngược lại sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương.
Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cho biết: Ngoài việc tiêu thụ qua các kênh chính thống, bán hàng online, sản phẩm của Công ty còn được trưng bày và giới thiệu tới khách du lịch qua nhiều hoạt động du lịch địa phương. Tôi tin rằng, gắn với du lịch thì sản phẩm sẽ được quảng bá rộng hơn, tiêu thụ tốt hơn. Và thực tế không ít sản phẩm của chúng tôi đã theo chân du khách lên máy bay.
Về phía khách du lịch, chị Mai Phương Thảo, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Trong chuyến du lịch Ninh Bình, tôi đã chọn mua đặc sản mắm tép của Gia Viễn và nem chua của Yên Mô. Sản phẩm có nhãn mác, được gắn sao OCOP rõ ràng. Không những thế, được người bán hàng nói về cách thức chế biến độc đáo, cầu kỳ, thể hiện nét văn hóa ẩm thực của địa phương, tôi và các du khách trong đoàn rất tin tưởng. Tôi mong muốn mỗi điểm đến, địa phương đều có những điểm giới thiệu về những đặc sản của địa phương để những du khách như chúng tôi hiểu, chọn mua làm quà, vì nó rất ý nghĩa.
Sản phẩm ruốc cá của Công ty TNHH thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Nguyễn Thơm
Gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa
Có thể nói, sản phẩm OCOP và du lịch của Ninh Bình còn nhiều dư địa phát triển. Đây là lợi thế, cơ hội để các chủ thể sản xuất kinh doanh khai thác, góp phần chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Tuy nhiên, thời gian tới, vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví như, thực tế, mặc dù số lượng sản phẩm OCOP của Ninh Bình không phải là nhỏ nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều. Do vậy, cần tính toán đến việc phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của tỉnh. Ở đó phải tập hợp được đa dạng, đầy đủ các sản phẩm OCOP, có hạ tầng thiết yếu từ bãi đỗ xe, đến khu vệ sinh công cộng... Đặc biệt, phải quản lý, kiểm soát và có cam kết chặt chẽ về chất lượng sản phẩm giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với khách hàng.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên thì hiện nay phía doanh nghiệp du lịch có rất ít thông tin về sản phẩm OCOP của tỉnh. Bởi vậy, giữa nhà sản xuất, cung ứng và doanh nghiệp du lịch cần có nhiều sự tương tác nhiều hơn nữa để hai bên tìm ra điểm nhìn chung, từ đó xúc tiến, thúc đẩy gắn kết sự phát triển của sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu địa phương với thị trường du lịch.
Ở một khía cạnh khác, mỗi sản phẩm OCOP đều là "sứ giả văn hóa" của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm sản phẩm đó luôn có nhu cầu được thông tin về những điểm đặc biệt của sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, sản xuất và cả giá trị sử dụng, giá trị văn hóa tinh thần. Do vậy, khai thác triệt để các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP giới thiệu đến du khách là rất cần thiết.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Giám đốc Ban Sản phẩm Dịch vụ, Công ty Du lịch& Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (VietTravel) nêu quan điểm: Người nông dân cần được hỗ trợ, tư vấn để sắp xếp lại sản phẩm mình đang có cho hoàn hảo hơn. Và điều quan trọng nhất là các chủ thể phải viết được câu chuyện văn hóa vào sản phẩm, để có thể chạm đến cảm xúc của du khách.
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để phát triển, gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung đào tạo, kiến thức kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể, Sở cũng sẽ có hỗ trợ, định hướng về bao bì, nhãn mác, thiết kế mẫu mã, hình thành các dòng sản phẩm OCOP làm quà biếu, tặng gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, mở rộng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm ngay tại các làng nghề truyền thống và các cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh.