Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tiếp sức cho sản xuất xuất khẩu
Sau 5 năm triển khai, Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) theo Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và mở rộng thị trường, Sở Công Thương tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, giúp sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Mở rộng thị trường tiêu thụ từ kết nối thành công
Ông Biện Tấn Tài – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết: “Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các gian hàng tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước”. Năm 2023, tỉnh tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Đông; Triển lãm Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW về phát triển vùng bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ tại tỉnh Bình Định; Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan lần thứ nhất tại tỉnh Quảng Trị; Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung (Lào Cai) lần thứ 23. Những sự kiện này đã giúp doanh nghiệp tỉnh mở rộng thị trường, tăng cơ hội xuất khẩu. Đáng chú ý, 5 doanh nghiệp ký kết hợp đồng với hệ thống phân phối tại TP.HCM, trong khi 10 doanh nghiệp khác đạt thỏa thuận ghi nhớ hợp tác. Hợp tác xã Hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững Bình Thuận cũng ký biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp Trung Quốc về tiêu thụ thanh long tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung.
“Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” (ảnh Sở Công thương)
Các chương trình xúc tiến thương mại tiếp tục trong năm 2024, với các hội nghị kết nối giao thương và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm OCOP với các doanh nghiệp tại các tỉnh Đắk Lắk, An Giang, Lâm Đồng. Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến các nhà phân phối, bán buôn, và bán lẻ khắp cả nước. Các sản phẩm như thủy sản chế biến, thanh long, yến sào và nông sản khác được quảng bá rộng rãi, tạo dấu ấn đặc biệt.
Bên cạnh các chương trình xúc tiến thương mại lớn, Sở Công Thương tỉnh còn tổ chức 22 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đưa hàng Việt về nông thôn, giúp sản phẩm OCOP tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Các phiên chợ tại huyện Bác Ái và Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trong tháng 8 và 9/2024 đã giúp kết nối các sản phẩm của Bình Thuận với thị trường mới. Đặc biệt, tại “Tuần lễ triển lãm sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2024” tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham gia của 21 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia với 188 sản phẩm, từ nước mắm, thủy sản chế biến, thanh long, yến sào đến các nông sản khác. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp tỉnh hợp tác với nhà phân phối trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sở Công Thương tỉnh còn tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu như: Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các nhà xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Lào Cai, Hội chợ Kinh tế Thương mại Biên giới Trung – Việt (Hà Khẩu) lần thứ 20, năm 2020; Hội chợ Rau quả Asia Fruit Logistica 2022 tại Thái Lan; Đoàn xúc tiến thương mại tại Lào tháng 6/2024. Tỉnh hỗ trợ Hiệp hội Thanh long và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thanh long tham gia Hội chợ triển lãm trái cây, rau quả châu Á (Asia Fruit Logistica) 2024 tại Hong Kong (Trung Quốc) và tham gia Đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư thị trường Hoa Kỳ và khảo sát Hội chợ quốc tế Private Label Show 2024.
Sản phẩm OCOP Bình Thuận
Vẫn còn những thách thức
Sau 5 năm, chương trình OCOP đã thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và điều chỉnh cơ cấu lao động, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là giải pháp then chốt giúp nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Toàn tỉnh hiện có 120 sản phẩm OCOP từ 75 chủ thể, gồm 84 sản phẩm 3 sao, 36 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, tập trung vào thực phẩm, đồ uống, cây ăn quả và gia vị, khẳng định vị thế nông nghiệp địa phương.
Mặc dù chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, vẫn còn không ít khó khăn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất OCOP của tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, với năng lực tài chính và quản lý còn hạn chế. Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, khiến việc tham gia các chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường gặp khó khăn. Sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu là các mặt hàng sơ chế hoặc chế biến đơn giản, với giá trị gia tăng thấp, khiến khả năng cạnh tranh chưa cao. Mặt khác, hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp tham gia trưng bày tại hội chợ, triển lãm chủ yếu chỉ tập trung vào việc thuê gian hàng, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tham gia.
Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng chưa chủ động huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để triển khai các chương trình xúc tiến thương mại. “Để phát triển xuất khẩu, cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và kiểm soát quy trình sản xuất. Đặc biệt, là nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, quan tâm hướng dẫn hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Organic, HACCP, và ISO”, ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm.