Khánh Sơn - Khánh Hòa: Tập trung triển khai chương trình OCOP
Thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay trên địa bàn có 34 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Huyện đang tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ chương trình OCOP đến các chủ thể.
Nhiều sản phẩm OCOP về sầu riêng
Với lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây sầu riêng, vùng đất Khánh Sơn đã trở thành “thủ phủ” loại nông sản đặc hữu, giá trị cao này. Đến nay, sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Theo thống kê của UBND huyện, đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được hơn 2.600ha sầu riêng, trong đó hơn 1.500ha đang trong thời kỳ cho trái, chủ lực là các loại sầu riêng như: Monthong, Ri6, Musang King, Chín Hóa. Năm nay, nông dân Khánh Sơn thu hoạch hơn 17.000 tấn sầu riêng, doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng.
Sản xuất sản phẩm OCOP về sầu riêng tại Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn).
Huyện Khánh Sơn xác định chương trình OCOP là động lực quan trọng để phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn theo hướng phát huy nội lực, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Triển khai chương trình OCOP, những năm qua, địa phương đã tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ theo chuỗi giá trị, có lợi thế ở mỗi địa phương trên địa bàn; trong đó chủ lực là các sản phẩm OCOP gắn với cây ăn quả, nhất là đặc sản sầu riêng của huyện. Đến nay, Khánh Sơn đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao là sầu riêng cấp đông Phương Đài của Công ty Cổ phần Đầu tư sinh thái Khánh Sơn và 33 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có 20 sản phẩm về sầu riêng như: Sầu riêng quả tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng cấp đông, kem sầu riêng… Năm 2024, địa phương có 17 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có 5 sản phẩm liên quan đến sầu riêng.
Sầu riêng sấy là một sản phẩm OCOP nổi tiếng của Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn).
Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện, chương trình OCOP đã được đẩy mạnh triển khai từ huyện đến cơ sở; các chính sách hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình được triển khai đồng bộ, kịp thời, giúp cho các chủ thể có thêm nguồn lực để đầu tư cho các sản phẩm OCOP. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của huyện đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã ngày càng bắt mắt, đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường… Hiệu quả chương trình OCOP mang lại đối với kinh tế của địa phương rất lớn, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn miền núi, thực hiện hiệu quả các nhóm tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Tăng cường hỗ trợ
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực song việc triển khai chương trình OCOP trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn. Một số chủ thể tham gia chương trình OCOP cho rằng, chu trình OCOP phải qua 6 bước, hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm có nhiều thủ tục kèm theo, mất nhiều thời gian chuẩn bị nên các cơ sở sản xuất kinh doanh e ngại tham gia. Một số sản phẩm OCOP tuy đã đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP nhưng vẫn rất khó trong tiếp cận các kênh phân phối lớn như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Do đó, bên cạnh được hỗ trợ về xúc tiến quảng bá sản phẩm, các chủ thể mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kết nối để đưa sản phẩm OCOP của địa phương tiêu thụ tại các kênh bán hàng lớn…
Khánh Sơn có nhiều sản phẩm OCOP về sầu riêng tươi và chế biến sâu.
Ngoài ra, việc triển khai chương trình OCOP còn một số khó khăn như: Một số chủ thể tham gia chương trình là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh quy mô nhỏ nên còn hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, nhà xưởng sản xuất, khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất sản phẩm còn hạn chế. Các cấp, ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP nhưng vẫn còn ít chủ thể đăng ký tham gia; việc liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế…
Theo ông Nguyễn Quốc Đông, trong giai đoạn 2022 - 2025, địa phương tập trung triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ chương trình OCOP cho các chủ thể như: Hỗ trợ triển khai chu trình OCOP thường niên; hỗ trợ điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Riêng việc hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình, sẽ tập trung hỗ trợ: Mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (SSOP, GMP, ISO, HACCP); xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử để truy xuất nguồn gốc, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh…