Khát vọng kinh tế xanh

Chia sẻ:

Sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên là mục tiêu mà Việt Nam, trong đó có Cà Mau, hành động với quyết tâm chính trị cao nhất, từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đến lĩnh vực công nghiệp.

Chuyển động cùng khu vực

Ðánh giá vai trò quan trọng và tầm chiến lược của đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) trong bước tiến của Việt Nam hội nhập cùng quốc tế, Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án lớn phát triển kinh tế gắn với tái tạo và khôi phục tự nhiên, bảo vệ môi trường như: Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030; Ðề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ÐBSCL...

Các tổ chức nước ngoài cũng đã đồng hành cùng ÐBSCL, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã và đang triển khai thí điểm một số giải pháp thuận thiên tại khu vực ÐBSCL, điển hình là các mô hình lúa - cá, lúa - tôm; lúa - sen, tôm - rừng ngập mặn; tôm - lúa luân canh... cho kết quả cụ thể về mặt kinh tế, mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Từ kết quả bước đầu đã đạt được, WWF sẵn sàng chia sẻ với các đối tác để mở rộng quy mô nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sinh thái rừng, góp phần phát biển nông nghiệp bền vững, đảm bảo sức khỏe cho con người và thiên nhiên.

Phát biểu tại Hội nghị quốc gia về huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Cà Mau vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Christopher Howe, Giám đốc Cảnh quan ÐBSCL (WWF-Việt Nam), cho biết, đơn vị khuyến khích các mô hình tôm - lúa hoặc tôm - rừng ngập mặn để duy trì sản xuất lương thực bền vững, đồng thời tăng cường phục hồi rừng ngập mặn, trầm tích và chất lượng nước. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đang thúc đẩy các sáng kiến về quản lý nghề cá bền vững và tăng cường quản lý các khu bảo tồn biển.

Nói về việc thành lập các khu bảo tồn biển nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi để nghề khai thác thủy sản của tỉnh phát triển ổn định và bền vững, tại buổi thả giống thủy sản trên biển vào đầu tháng 4 vừa qua, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, tỉnh tiếp tục phát triển việc thả rạn nhân tạo làm nơi trú ngụ và sinh sản cho các loài thủy sản, hướng đến thành lập các khu bảo tồn biển với quyết tâm khôi phục lại nguồn lợi thủy sản vốn dồi dào trên ngư trường Cà Mau.

 

Cùng với thả rạn nhân tạo, giảm dần khai thác... hằng năm Cà Mau tiến hành thả giống nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo cân bằng và phát triển tiềm năng hải sản.

Cùng với thả rạn nhân tạo, giảm dần khai thác... hằng năm Cà Mau tiến hành thả giống nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo cân bằng và phát triển tiềm năng hải sản.

“Chính nguồn lợi cạn kiệt đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong khai thác hải sản, trong đó có khai thác tận diệt, khai thác vi phạm các quy định của quốc tế về đánh bắt hải sản. Từ việc nguồn lợi khôi phục, khai thác có chọn lọc, lợi thế kinh tế biển Cà Mau sẽ được khai thác hiệu quả, phát triển ổn định, nhanh và bền vững”, ông Châu Công Bằng khẳng định.

Những thành công bước đầu

Từ việc xác định phát triển kinh tế xanh là hướng đi bền vững, thời gian gần đây, Cà Mau xuất hiện các mô hình sản xuất mới, trong đó có mô hình doanh nghiệp xã hội, rất đáng chú ý, được nhiều doanh nghiệp theo đuổi và đã đạt được những thành công bước đầu, tiếp tục mở rộng. Ðây là chuỗi sản xuất hài hòa, cùng chia sẻ giữa nhà nông và doanh nghiệp, với những hình thái sản xuất thuận thiên, ít tác động, bảo vệ môi trường sinh thái và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận và tính cạnh tranh.

“Ðó là sự cân bằng trong sản xuất theo điều kiện thực tế và môi trường sinh thái của địa phương, mùa lúa - mùa tôm đối với nội đồng; còn vùng ven biển thì trên là cây rừng, dưới là thủy sản. Chan hòa với thiên nhiên, dựa vào tự nhiên; ít tác động, ít đầu tư nguồn vốn, thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng đem đến hiệu quả kinh tế, lại bền vững”, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nói về các mô hình doanh nghiệp xã hội mà đơn vị đang thực hiện thành công tại Cà Mau, đồng thời mong muốn có thêm sự hợp tác, đồng thuận cao hơn nữa từ phía người nông dân nhằm hình thành những vùng sản xuất rộng lớn, mang lại hiệu quả nhiều hơn cho các bên, tạo lập môi trường sản xuất xanh trên mọi cánh đồng, vùng đất.

Nhân viên Công ty Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cùng người dân kiểm tra tiến độ phát triển tôm sú trên vùng đất lúa - tôm xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Ðây là mô hình sản xuất cải tiến, mang lại hiệu quả, có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Nhân viên Công ty Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cùng người dân kiểm tra tiến độ phát triển tôm sú trên vùng đất lúa - tôm xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Ðây là mô hình sản xuất cải tiến, mang lại hiệu quả, có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khai thác tiềm năng tại chỗ, Cà Mau đã quy hoạch và phát triển hệ thống điện gió, điện mặt trời với những bước đi vững chắc, đạt kết quả tốt đẹp, thân thiện với môi trường. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án điện gió, tổng công suất 170 MW, đã vận hành thương mại. Hiện có 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800 MW; 2 dự án tổng công suất 200 MW đã được nhà đầu tư đề xuất. Ðối với điện mặt trời, hiện có 1.217 công trình lắp đặt hệ thống áp mái nhà với tổng công suất 111,564 MWp.

Hiện Cà Mau đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Hydro xanh xuất khẩu, thể hiện trách nhiệm của địa phương, góp phần cùng Việt Nam đảm bảo thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như đã cam kết cùng quốc tế. Ðiều này thể hiện rõ quan điểm của tỉnh trong thu hút đầu tư, nói không với đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Nhiều khu vực công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế phát triển của địa phương, nhất là giảm dần các ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là không khí, nước.

Hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu là mục tiêu cốt lõi, hàng đầu trong quy hoạch vùng của tỉnh đến năm 2030, và mục tiêu đến năm 2050 là môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Ðiều đó cho thấy, xuyên suốt trong quá trình phát triển, Cà Mau luôn ưu tiên cho hệ sinh thái xanh, môi trường xanh, vì xác định đây là nền tảng để phát triển ổn định và bền vững.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, kinh tế Cà Mau còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, vì thế tỉnh tập trung và ưu tiên khuyến khích những mô hình sản xuất xanh, kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái.

“Ðẩy mạnh các hoạt động nhằm tái tạo nguồn lợi, giảm dần tần suất và tiến tới chấm dứt các hình thức khai thác tận diệt. Tăng cường nuôi trồng và chế biến bằng nhiều hình thức nhưng cần xác định, môi trường tạo ra kinh tế, có được kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, luôn song hành để bền vững, đây là con đường duy nhất để thành công”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh quan điểm phát triển của địa phương và khẳng định Cà Mau đã có những thành công bước đầu với khát vọng vì nền kinh tế xanh./.