Khó khăn trong mở rộng sản xuất lúa an toàn, VietGAP, hữu cơ

Chia sẻ:

Sản xuất lúa vẫn được xác định là hướng đi chính trên đồng ruộng của tỉnh. Cùng với đảm bảo an ninh lương thực, cây lúa góp phần nâng cao giá trị và thu nhập trên diện tích canh tác. Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiện nay, cây lúa được nhiều địa phương lựa chọn thực hiện để đạt chỉ tiêu 'Có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn'. Tuy nhiên, các mô hình này mới chỉ dừng lại ở quy mô ban đầu, phần lớn chưa được triển khai ra diện rộng.

Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ đang là hướng đi mới trên đồng ruộng của tỉnh. Song cho đến thời điểm này cả tỉnh mới có 14 mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ. Tại thị xã Duy Tiên, những xã sản xuất nông nghiệp chủ lực đều lựa chọn và xây dựng vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, gồm: Tiên Ngoại, Yên Nam, Tiên Sơn. Với huyện Bình Lục, địa phương trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng đang hướng mạnh phát triển lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các mô hình này đã triển khai được ở 6 xã: Tràng An, Đồn Xá, Tiêu Động, An Ninh, Bồ Đề, La Sơn. Trong đó, xã Đồn Xá xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP cho giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng; xã La Sơn xây dựng vùng sản xuất và được công nhận sản phẩm lúa hữu cơ có diện tích 10 ha...

Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT Bình Lục cho biết: Việc sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hướng đến đa mục đích, nhất là tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất vì vậy huyện khuyến khích các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa an toàn, VietGAP, hữu cơ…

 

Cấy lúa bằng máy trong vụ xuân 2024 tại xã Đồng Du, huyện Bình Lục. Ảnh: PV

Tuy nhiên, sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ của các địa phương mới đang dừng lại ở quy mô của mô hình. Bình quân diện tích đạt từ 3 – 10 ha, một số mô hình hơn 10 ha. Chưa có mô hình nào được mở rộng trong quá trình sản xuất. Nguyên nhân quan trọng nhất, hiệu quả của sản phẩm thóc đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ chưa phát huy được giá trị thực và không có sự khác biệt nhiều so với lúa đại trà. Ngược lại, quá trình sản xuất, chi phí cao hơn. Phần lớn các sản phẩm vẫn bán theo giá thóc bình thường tại thời điểm thu hoạch…

Vùng sản xuất lúa hữu cơ của HTXDVNN La Sơn được tổ chức chặt chẽ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… Để phòng trừ sâu, bệnh cho diện tích lúa hữu cơ, HTX đã đầu tư mua tỏi, ớt về chế biến thành thuốc dạng sinh học. Ngay diệt trừ ốc bươu vàng, cùng với việc quản lý nguồn nước tránh trứng và ốc xâm nhập, lao động thủ công được thuê để bắt ốc mỗi vụ hơn 10 triệu đồng. Sau 3 vụ liên tiếp qua kiểm tra đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, vùng sản xuất của HTX mới được công nhận hữu cơ. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ là vấn đề đặt ra cho sản phẩm thóc, gạo hữu cơ. Với các siêu thị khi tìm hiểu phải có sản phẩm cung cấp thường xuyên với số lượng lớn, HTX không đáp ứng được. Sản phẩm thóc hữu cơ của HTXDVNN La Sơn hiện đang bán cho 1 đầu mối tiêu thụ tại Nam Định, giá chỉ chênh khoảng 10% so với thóc cùng loại ngoài thị trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTXDVNN La Sơn, sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi quy trình kỹ thuật và chi phí cao hơn so với lúa đại trà rất nhiều. Hiện nay, HTX đang cố gắng duy trì mô hình sản xuất lúa hữu cơ để người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Yếu tố quan trọng nhất để có thể nhân rộng quy mô từ các mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ là cần phát huy giá trị tương xứng. Do vậy, cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo được chế biến từ thóc sản xuất tại các mô hình. Hướng đến tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng bán nông sản sạch và khách hàng tại khu vực đô thị.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Phan Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở NN & PTNT) cho biết: Trong năm 2024, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn các thủ tục để các địa phương tiếp tục xây dựng mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, quan tâm khâu xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo đạt chất lượng thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh…

Với diện tích sản xuất hơn 27.000 ha lúa mỗi vụ của tỉnh đang được áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng. Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung. Việc mở rộng quy mô các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả trên diện tích gieo cấy.