Khó khăn trong nâng hạng sản phẩm OCOP
Trong những năm gần đây, tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tính đến cuối tháng 5/2024, cả tỉnh có 112 sản phẩm được công nhận OCOP, được xếp hạng từ 3 sao trở lên, gồm: 95 sản phẩm OCOP 3 sao và 17 sản phẩm đạt 4 sao. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay mới có thêm 1 sản phẩm được xếp hạng 4 sao. Vậy, đâu là nguyên nhân?
Sau khi được công nhận, các sản phẩm OCOP đều được hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại. Theo đó, phần lớn các sản phẩm được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, được tạo điều kiện tham gia các sự kiện trưng bày, triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Một số sản phẩm sau khi công nhận OCOP được đưa vào các hệ thống siêu thị lớn (chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi).
Điển hình như: sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã (HTX) dược thảo Minh Đức, xã Công Lý (Lý Nhân) được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao. Sau khi công nhận OCOP sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX đã tham gia mỗi năm hơn 10 chương trình hội chợ, trưng bày, giới thiệu cả trên địa bàn tỉnh và khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, nhiều khách hàng biết đến và sử dụng sản phẩm. Hiện, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của HTX từ nấm đông trùng hạ thảo đã tăng lên đáng kể so với trước, tổng doanh thu đạt 5 – 6 tỷ đồng/năm. Sản phẩm được đánh giá triển vọng nâng hạng lên 4 sao nếu có sự đầu tư đúng mức. Nhưng phía HTX đăng ký xét lại (sau thời hạn 36 tháng) vẫn đăng ký ở mức xếp hạng 3 sao.
Chị Đỗ Thị Phương, Giám đốc HTX dược thảo Minh Đức cho biết: HTX lựa chọn sản xuất, kinh doanh nấm đông trùng hạ thảo theo hướng bán lẻ đến tay người tiêu dùng nên quy mô sản xuất được duy trì ổn định. Đồng thời, việc đăng ký xét OCOP 3 sao do cơ sở chưa đủ nguồn lực cần thiết và thiếu các điều kiện để đầu tư hoàn thành các tiêu chí theo mức độ đánh giá sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX dược thảo Minh Đức đạt và duy trì OCOP 3 sao.
Nhìn thực tế, phần lớn các sản phẩm được công nhận và xếp hạng OCOP 4 sao của tỉnh trước đây đều tập trung vào nhóm thực phẩm chế biến từ sữa bò tươi của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thị xã Duy Tiên. Với những sản phẩm này các đơn vị sản xuất đã làm cơ bản đầy đủ những yêu cầu về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhất là giai đoạn trước, các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP thuận lợi hơn cho các chủ thể khi không có tiêu chí bắt buộc. Hiện nay, thực hiện theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm” tạo chủ động khi phân cấp cho các huyện, thành phố, thị xã xét, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cấp tỉnh 4 sao, Trung ương 5 sao.
Tuy nhiên, với các sản phẩm OCOP để được xét, công nhận và xếp hạng từ 4 sao trở lên phải đạt các tiêu chí bắt buộc, như: Có đăng ký sở hữu trí tuệ; hồ sơ về môi trường; sản phẩm đặc sản, truyền thống gắn với chỉ dẫn địa lý, có liên kết sản xuất trên 75% sản phẩm, các sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Đây là yêu cầu khó trong việc nâng hạng sản phẩm OCOP của tỉnh.
Qua quá trình xét, công nhận sản phẩm OCOP của các địa phương một số sản phẩm đạt số điểm để xếp hạng 4 sao, nhưng không bảo đảm một số tiêu chí bắt buộc. Cụ thể, như một số sản phẩm gắn với làng nghề rất khó khi chưa thể có hồ sơ về môi trường cho cả làng nghề, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa bảo đảm tỷ lệ sản phẩm liên kết sản xuất, chưa có chỉ dẫn địa lý.
Theo ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để nâng hạng được sản phẩm OCOP rất cần có sự cố gắng, nỗ lực từ phía các chủ thể. Đồng thời, cần hỗ trợ tích cực hơn từ phía cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.
Để có thể nâng hạng được các sản phẩm OCOP, trước hết các chủ thể cần đẩy mạnh đầu tư phát triển quy mô sản xuất. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại hướng đến có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, quan tâm xử lý môi trường, đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm… Phần lớn các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao hiện nay của tỉnh vẫn đang có quy mô nhỏ, việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại thị trường tự do.
Về phía các cơ quan chức năng, địa phương cần quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm OCOP đặc sản, đặc trưng. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động các HTX (tiêu chí bắt buộc các HTX có sản phẩm OCOP 4 sao phải đạt loại khá trở lên); tăng cường xây dựng các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho những sản phẩm trồng trọt… Như vậy, các sản phẩm OCOP mới có điều kiện nâng hạng, phát huy tốt được hiệu quả thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.