Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế
Với sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp của các ngành cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, đến nay, TP Cao Lãnh có nhiều loại hình khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được áp dụng. Qua đó góp phần gia tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh...
Ông Trần Quan Thâu với mô hình “Sản xuất xoài sấy dẻo” (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) (Ảnh: Mỹ Lý)
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ÁP DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Trên tinh thần đó, thời gian qua, thành phố hỗ trợ 10 doanh nghiệp (DN), cộng đồng khởi nghiệp tham gia có hiệu quả vào chương trình OCOP; thường xuyên rà soát và tập trung hỗ trợ các chủ thể tiếp cận các chính sách, nâng cao chất lượng sản phẩm tiềm năng hướng đến đạt chuẩn OCOP; đưa 40 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ DN khởi nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định.
Thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các xã, phường vận động, hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp có đủ điều kiện đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện hàng năm. Mặt khác, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp với các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp...
TP Cao Lãnh luôn quan tâm thực hiện chủ trương “Chính quyền đồng hành và hỗ trợ DN”. Địa phương tiếp tục rà soát thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân sớm hạn, đúng hạn đạt trên 99%; số lượng hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến được cải thiện tích cực. Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố có 205 DN đăng ký thành lập mới, đạt 136,6% chỉ tiêu kế hoạch, nâng tổng số DN hiện đang hoạt động trên địa bàn là 1.625 DN.
Trên địa bàn TP Cao Lãnh có 7 dự án đang hoạt động và 6 dự án đang trong giai đoạn triển khai với tổng vốn đầu tư 1.301,5 tỷ đồng. Địa phương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát, cập nhật tình hình hoạt động vận hành của các dự án nhằm kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền những thuận lợi, khó khăn của nhà đầu tư.
Hướng đến phát triển cộng đồng DN tại địa phương, TP Cao Lãnh tập trung vận động, phối hợp hỗ trợ các hộ kinh doanh, cơ sở khởi nghiệp phát triển thành DN. Thời gian qua, thành phố có 11 DN hình thành từ hộ sản xuất kinh doanh; khuyến khích DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong năm, thành phố có 5/5 cơ sở khởi nghiệp phát triển lên thành DN, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch. Hỗ trợ DN khởi nghiệp thông qua các chương trình: khuyến công, xúc tiến thương mại quảng bá thương hiệu, xây dựng thiết kế bao bì nhãn hiệu hàng hóa, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, địa phương còn đẩy mạnh hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, hiện đại hóa công nghệ. Phối hợp Sở Công Thương xét hỗ trợ Công ty TNHH Tre Vang tham gia Đề án “Hỗ trợ DN Đồng Tháp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín” thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử Quốc gia năm 2023; tạo điều kiện cho các DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường hoạt động kết nối giữa DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa. Khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong các DN vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ số nhằm cải tiến mô hình sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ khởi nghiệp của TP Cao Lãnh nhằm đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tại địa phương.
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Theo UBND TP Cao Lãnh, thông qua triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ hoàn toàn, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp.
Theo đó, thành phố triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với 2 mô hình trình diễn nông nghiệp đô thị. Thực hiện mã số vùng trồng nông sản, đến nay, TP Cao Lãnh có 95 mã số vùng trồng nông sản với diện tích 3.046,6ha (xoài, lúa, nhãn, mít) đảm bảo cho xuất khẩu sang thị trường các nước: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản...
Trên tinh thần thực hiện công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp, thành phố triển khai thực hiện 2 mô hình. Đối với mô hình Dữ liệu bản đồ nông sản được thí điểm tại 2 ấp: Tân Hậu, Tân Dân (xã Tân Thuận Tây) có 410 hộ dân tham gia với diện tích 158,53ha. Mô hình xây dựng bản đồ có địa chỉ nông dân giúp DN dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; kết nối giữa người sản xuất với nhau góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững. Hiện, thành phố đang triển khai nhân rộng cho các xã, phường còn lại.
Đối với mô hình bản đồ Quản lý mã số vùng trồng, địa chỉ nông dân trong mỗi vùng trồng được gắn tọa độ GPS nhằm kết nối chỉ đường đến tận hộ nhà vườn, tạo điều kiện để DN dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất của từng mã số vùng trồng để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh, kết nối liên kết thu mua khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai thực hiện mô hình Làng thông minh trên địa bàn xã Tân Thuận Tây. Đến nay đã thực hiện được 12/12 nội dung, nhóm nghiên cứu đề tài đang triển khai tập huấn cho đơn vị thụ hưởng và các ngành liên quan thành phố về công tác vận hành, khai thác thông tin từ các sản phẩm của đề tài.
Thành phố còn phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn thực hiện 2 mô hình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn hữu cơ năm 2023, với diện tích 31,2ha/44 hộ dân tham gia tại các xã: Hòa An, Tịnh Thới; mô hình thâm canh xoài VietGAP thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại đồng bằng song Cửu Long” tại xã Tân Thuận Đông với diện tích 15ha/30 hộ.
Từ nguồn kinh phí khuyến nông, thành phố triển khai 2 mô hình trồng nho sử dụng phân hữu cơ kết hợp du lịch, kết hợp truy xuất nguồn gốc bằng phần mềm nhật ký sản xuất điện tử Facefarm với diện tích 0,56ha tại xã Tân Thuận Đông và Mỹ Ngãi. Phối hợp với Bưu điện tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận Đông và 16 hộ dân trên địa bàn xã tham gia đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.
Theo UBND TP Cao Lãnh, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với biện pháp sản xuất truyền thống. Việc áp dụng các mô hình không những mang lại năng suất, sản lượng, chất lượng, giá bán sản phẩm cao hơn mà còn góp phần giảm sức lao động, giá thành, tăng lợi nhuận.
Định hướng trong thời gian tới, TP Cao Lãnh tiếp tục hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tiếp tục duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ tái sản xuất của các dự án khởi nghiệp có nhu cầu khởi nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay; phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất chủ động trong minh bạch nguồn gốc sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã bao bì, nhãn hiệu phù hợp nhu cầu thị trường. Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn tiên tiến có truy xuất nguồn gốc, gắn liên kết tiêu thụ đạt hiệu quả cao, bền vững...