Khởi nghiệp thành công nhờ sản xuất trà thảo mộc theo tiêu chuẩn VietGAP
Sau hơn 1 năm áp dụng tiến bộ khoa học để sản xuất các loại trà thảo mộc theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Nguyễn Vũ Phú Trường (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã gặt hái được thành công bước đầu với 1 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Nhận thấy nguồn dược liệu tại địa phương rất dồi dào, trong khi bà con nông dân chưa biết cách nâng cao giá trị cho sản phẩm này, năm 2023, anh Nguyễn Vũ Phú Trường đã nảy ra ý tưởng sản xuất các loại trà thảo mộc theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh chia sẻ: “Tôi bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu cách chế biến trà từ cây tía tô, đinh lăng, lạc tiên, ổi… Vừa làm vừa học hỏi và thử nghiệm, tôi rút được nhiều kinh nghiệm. Đến giữa năm 2023, sản phẩm trà thảo mộc cũng dần hoàn thiện và được mọi người đón nhận. Đó là một tín hiệu vui cho chặng đường tiếp theo”.
Để có nguồn nguyên liệu đảm bảo, ngoài việc trồng cây nguyên liệu trong vườn nhà, anh Trường còn liên kết với 5 hộ trồng tía tô tại thôn 5 với diện tích hơn 5 sào theo hướng VietGAP. Ngoài ra, anh còn thu mua búp ổi, cây lạc tiên, đinh lăng sẵn có trong vườn của bà con với giá 25-60 ngàn đồng/kg. Mỗi tháng, anh tiêu thụ hơn 100 kg lá tươi cho nông dân trên địa bàn xã. Anh Trường cũng thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác để tăng năng suất và đảm bảo độ sạch. “Để có nguồn nguyên liệu an toàn thì người nông dân cần tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống đến làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh… Việc thu hái và chế biến trà phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi đã đầu tư gần 70 triệu đồng mua sắm máy sấy, máy xay, máy tiệt trùng… để sản xuất các loại trà thảo mộc”-anh Trường cho hay.
Anh Nguyễn Vũ Phú Trường đặc biệt chú trọng công đoạn phơi sấy trà. Ảnh: M.K
Bên cạnh đó, anh Trường đặc biệt chú trọng tới công đoạn sơ chế, hệ thống phơi sấy điều chỉnh lượng nhiệt và tiệt trùng sản phẩm trước khi đóng gói nhằm giữ hàm lượng hoạt chất của dược liệu và giữ màu sắc tươi đẹp của trà. Tất cả sản phẩm trà thảo mộc của anh đều được chế biến thành dạng bột, đóng gói trong túi lọc. Mẫu mã, bao bì dán nhãn QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài đầu tư trồng và chế biến, anh còn chủ động thông tin quảng bá sản phẩm trên thị trường. Đến nay, sản phẩm trà thảo mộc của anh Trường không chỉ có mặt trong tỉnh mà còn có thêm nhiều đại lý ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Với giá bán gần 1,3 triệu đồng/kg, mỗi tháng, anh xuất ra thị trường khoảng 20-25 kg gồm các loại trà như: đinh lăng, tía tô, lạc tiên, búp ổi. Anh đang nghiên cứu các loại trà thảo mộc mới và có kế hoạch đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm trà tía tô của anh Trường được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2023. Ảnh: Mai Ka
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú-cho biết: Đến nay, cơ sở sản xuất trà thảo mộc của anh Trường đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Đặc biệt, cuối năm 2023, sản phẩm trà tía tô được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là mô hình sản xuất trà thảo mộc theo hướng VietGAP đầu tiên trên địa bàn xã. Chúng tôi đã vận động, hỗ trợ anh Trường tích cực tham gia các hội chợ, buổi giới thiệu sản phẩm nông thôn đặc trưng do các ngành chức năng của thành phố tổ chức và sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ quảng bá, mở rộng quy mô liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.