Khởi nghiệp thành công từ nông sản bản địa
Bằng cách riêng của mình, chị Nguyễn Thị Lành ở xã Hùng Tiến (Kim Sơn) đã thực hiện ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương với những sản phẩm nông nghiệp chế biến từ tài nguyên bản địa. Hiện chị là Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food.
Quy trình đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food tạo việc làm cho 13 lao động
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình, chị Nguyễn Thị Lành cho biết: Sinh ra và lớn lên gắn bỏ với vùng đất Kim Sơn, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giàu lên trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhận thấy, ở quê hương có nhiều giống dược liệu quý, tốt cho sức khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, giá thành rẻ như: cây đinh lăng, khổ qua, cà gai leo, bí đao... Hơn thế nữa, trong những năm gần đây, tỉnh ta đang rất quan tâm phát triển các sản phẩm chế biến nông nghiệp từ tài nguyên bản địa, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương để giới thiệu đến khách du lịch. Đây chính là cơ hội để tôi thực hiện ý tưởng chế biến các loại trà từ nguồn nguyên liệu sẵn có. Đặc biệt, chồng tôi đã có 3 năm kinh nghiệm chế biến nông sản sạch tại Nhật Bản. Đây cũng là thuận lợi để tôi có thêm niềm tin, quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.
Năm 2020, sau khi bàn bạc, với chồng, chị Lành quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food với tôn chỉ hoạt động "Chắt lọc tinh hoa từ bàn tay vàng nông dân Việt". Công ty có diện tích nhà xưởng trên 1.000 m² và 10.000 m² đất nông nghiệp trồng nguyên liệu. Tổng chỉ phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, nhà xưởng khoảng 7 tỷ đồng. Đến tháng 9/2020, Công ty đã có 6 sản phẩm trà đầu tiên được chiết xuất từ các loại cây thảo dược.
Ngay từ khi khởi nghiệp, chị Lành đã xác định cần phải đi chậm, chắc, lấy chất lượng, uy tín làm kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững. Với phương châm đó, Công ty đã nghiên cứu, lựa chọn sử dụng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm là các loại cây dược liệu ít sâu bệnh, dễ trồng, sẵn có tại địa phương như: đinh lăng, cà gai leo, sài đất, khổ qua, bí đao... Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất,, máy móc, công nghệ hiện đại, sản xuất dây chuyền, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật. Hiện nay, Công ty sử dụng máy nghiền, máy đóng gói trà tự động, hệ thống chưng cất, lọc khử rượu nhằm giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của con người với sản phẩm.
Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, công nghệ hiện đại, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, thông qua các cấp Hội LHPN, Công ty đã lựa chọn và ký kết với một số HTX sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap và các hộ sản xuất nông nghiệp tại một số xã trong tỉnh như: xã Khánh Thành (Yên Khánh), xã Ninh Vân (Hoa Lư) và chủ yếu là các xã của huyện Kim Sơn trong việc sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng an toàn. Tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ tích tụ ruộng đất, trồng cây dược liệu (đinh lăng, cà gai leo, khổ qua, lúa nếp cau...) theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, trồng chuyên canh.
Nhận thấy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được chứng nhận sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe, tạo niềm tin với người tiêu dùng, gia tăng giá trị sản phẩm, do đó Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food quyết định xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP trước, sau đó mới tìm và mở rộng thị trường. Chính vì thế, ngay trong năm đầu tiên thành lập, Công ty đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đến nay, đã có 5 sản phẩm đạ tOCOP. Năm 2024, Công ty đang xây dựng hoàn thiện 2 sản phẩm OCOP đó là: Rượu nếp cau, Lá tắm thảo mộc. Các thông tin về sản phẩm đã được công khai, đăng ký mã QR truy xuất nguồn gốc và có chỗ đứng ổn định trên thị trưởng trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường, Công ty đã phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sản phẩm qua các kênh của Hội; phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, Công ty xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp đón các đoàn khách và học sinh đến tham quan, học tập và trải nghiệm sản phẩm.
Cũng theo chị Lành, trong quá trình khởi nghiệp, Công ty luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Hội Phụ nữ, ngành nông nghiệp và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nông dân trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn Vietgap, thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông sản an toàn. Hiện nay, Công ty ký kết nguồn cung cấp sản phẩm với 3 HTX nông sản an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap.
Sau hơn 3 năm thành lập, đến nay Công ty đã đi vào hoạt động nền nếp, sản phẩm bước đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Công ty đã có lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Hiện nay, Công ty có 12 sản phẩm chính như: Trà tim sen, Trà đinh lăng, Trà khổ qua, Mật ong sú vẹt, mắm cáy sông Đáy… Trong đó có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao). Hằng năm, Công ty xuất ra thị trường khoảng 100.000 sản phẩm, tiêu thụ tại 42 tỉnh, thành phố trong cả nước và trên một số sàn thương mại điện tử. Doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Thêm, công nhân Công ty TNHH MTV Bảo Sơn Food cho biết: Tôi vào làm việc tại Công ty được gần 2 năm. Trong quá trình làm việc, tôi và các công nhân luôn nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Công ty, thường xuyên cho đi tập huấn, nâng cao trình độ tay nghề. Công việc ổn định với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng, lại gần nhà, thuận tiện cho việc chăm sóc gia đình, nên công nhân chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài với Công ty.
Không chỉ vươn lên làm giàu cho mình, chị Lành còn tích cực tham gia các hoạt động do các cấp Hội Phụ nữ tổ chức như: các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP, diễn đàn, giao lưu về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện… '
Khởi nghiệp thành công đã giúp chị Lành hiện thực hóa ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, từ tài nguyên bản địa. Doanh nghiệp chị đang tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động với thu nhập từ 7-10 triệu/người/tháng, đồng thời tạo việc làm cho hơn 40 lao động thời vụ và hơn 200 lao động tại các xã ký kết cung cấp nguồn nguyên liệu. Song với một người đam mê nông sản sạch thì con đường để đi đến thành công chưa dừng lại ở đó, chị Lành chia sẻ: Tôi vẫn luôn ấp ủ dự định một ngày nào đó sẽ đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương vươn ra thị trường nước ngoài. Tôi đang nỗ lực cùng với các cộng sự không ngừng phấn đấu, đầu tư thời gian, công sức, kinh phí để thực hiện. Trong hành trình đó, tôi mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành tạo điều kiện về vốn, về các phương thức tiếp thị mở rộng thị trường…