Làm mới sản phẩm OCOP để chiếm lĩnh thị trường
Là một trong những địa phương đi đầu phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, nhiều chủ thể OCOP tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để làm mới sản phẩm.
Đóng gói sản phẩm trà hoa vàng tại Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ).
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 40 sản phẩm của 25 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất được công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, trong đó có 21 sản phẩm cấp lại, 7 sản phẩm cấp mới, 12 sản phẩm nâng hạng. Đặc biệt, sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh có tiềm năng đạt 5 sao được đề nghị Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá, xếp hạng công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh Nịnh Văn Trắng chia sẻ: Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cuối năm 2022 công ty đã đầu tư máy sấy trà thăng hoa của Việt Nam trị giá 950 triệu đồng thay thế máy sấy cũ của Trung Quốc.
Ưu điểm của máy sấy thăng hoa là giúp cho hoa đẹp như lúc mới hái, hình dạng nguyên bản, màu sắc, hương vị giữ được 98%. Ngoài ra, do lớp cánh ngoài cùng không bị thâm như khi sử dụng công nghệ sấy cũ, nên công ty đã tiết kiệm được nhân công bóc cánh hoa, giảm hao hụt nguyên liệu trong chế biến, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhờ đầu tư công nghệ sấy mới, năm 2023, Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh tiêu thụ được hơn 8 tạ trà hoa vàng khô với giá 12 triệu đồng/kg, tăng 1,6 tạ so với năm 2022.
Tại Công ty CP Nước khoáng Quang Hanh, để làm mới sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đã đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh, từ tháng 4-2024, công ty đã đầu tư dây chuyền đóng lon 330ml thay thế chai nhựa, trị giá hơn 16 tỷ đồng, công suất 8.000 lon/giờ. Mặc dù mới ra mắt thị trường, nhưng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên ION kiềm của công ty đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, nhất là các huyện đảo “nói không với rác thải nhựa” như Cô Tô, Vân Đồn... đón nhận một cách tích cực.
Sản phẩm chả mực của hộ kinh doanh hải sản Mạnh Hà (phường Cao Xanh, TP Hạ Long).
Là cơ sở chuyên cung cấp các mặt hàng hải sản, hộ kinh doanh hải sản Mạnh Hà (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) cũng đang tập trung làm mới sản phẩm OCOP. Anh Nguyễn Mạnh Hà, chủ hộ kinh doanh cho biết: Hiện nay, cơ sở đang cung cấp gần 100 mặt hàng hải sản ra thị trường. Trong đó có 2 sản phẩm đã đạt 3 sao OCOP là chả cá và mắm tép chưng thịt, riêng chả mực đạt 4 sao OCOP. Nhằm quảng bá, giới thiệu đặc sản chả mực Quảng Ninh, trong dịp Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024, cơ sở đã chế biến thành công chiếc chả mực nặng 200kg để xác lập kỷ lục Việt Nam. Trong quý II/2024, cơ sở sẽ đầu tư 1,5-2 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng mới với diện tích khoảng 300m2, đáp ứng tiêu chuẩn HACCP/ISO 22000. Khi có nhà xưởng mới, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở sẽ thay áo mới cho bao bì sản phẩm, nhằm thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, giúp sản phẩm sớm được công nhận đạt 5 sao.
Ngoài các cơ sở trên, nhiều chủ thể OCOP khác của Quảng Ninh cũng đang tích cực làm mới, nâng cấp để sản phẩm OCOP không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh, mà còn cả nước, tiếp đến là xuất khẩu. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, hết quý I/2024, toàn tỉnh có hơn 300 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao, với 212 chủ thể sản xuất gồm 55 doanh nghiệp, 83 HTX, 74 hộ sản xuất.
Năm 2024, Quảng Ninh đề ra mục tiêu phát triển thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm OCOP cấp quốc gia hạng 5 sao, khuyến khích thêm 10 doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Quan điểm của tỉnh là coi trọng chất lượng hơn số lượng, ưu tiên phát triển những sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch nông thôn và đầu tư cho các sản phẩm OCOP hướng tới thị trường toàn cầu.