Lan tỏa giá trị của sản phẩm ổi OCOP
Thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025”, xã Thanh Hương (Thanh Liêm) đã quy hoạch và xây dựng vùng trồng ổi lê Đài Loan có diện tích 5 ha thuộc thôn Đanh Nội. Tại đây đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông sản sạch Đanh Nội và tổ chức sản xuất ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm ổi lê trong mô hình được HTX nông sản sạch Đanh Nội xây dựng tem nhãn truy xuất nguồn gốc, mã quét QR. Đặc biệt, năm 2023 sản phẩm ổi lê Đài Loan của địa phương được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), xếp hạng 3 sao.
Với chất lượng sản phẩm vượt trội so với những vùng trồng khác, sản phẩm ổi lê Đài Loan của HTX nông sản sạch Đanh Nội đang được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng. Tìm hiểu tại gia đình chị Đỗ Thị Chuyên, xã viên HTX, được biết, năm 2017, chị đưa cây ổi lê Đài Loan vào trồng (sớm nhất trên địa bàn), với diện tích 1 mẫu đất lúa cốt cao kém hiệu quả. Nhờ lựa chọn cách trồng theo hướng an toàn, sử dụng toàn bộ phân hữu cơ bón cho cây, sản phẩm ổi của chị cho chất lượng ngon, được người tiêu dùng trong vùng ưa thích.
Năm 2019, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chị Chuyên tiếp tục thuê thêm đất của người dân trong thôn không còn nhu cầu sản xuất mở rộng diện tích trồng ổi lê Đài Loan lên 3 ha, nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi trồng cây ăn quả của xã. Cây ổi lê Đài Loan phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, cây phát triển tốt, năng suất cao, ổn định. Vào thời điểm thu hoạch, trung bình mỗi ngày, chị Chuyên bán ra thị trường 300 – 500 kg quả, ngày cao điểm 700 – 800 kg. Bình quân, mỗi sào đất trồng cây ổi lê Đài Loan cho giá trị từ 15 - 17 triệu đồng/năm, trừ chi phí (tiền thuê đất, giống, phân bón…) đạt lợi nhuận 10 triệu đồng/sào/năm, cao gấp trên 5 lần cấy lúa trước đây.
Theo chị Đỗ Thị Chuyên, việc đưa cây ổi lê Đài Loan vào trồng trên vùng đất lúa cốt cao là hướng phát triển đúng đắn. Nông dân vùng trồng ổi đang duy trì sản xuất và phấn đấu phát huy hơn nữa hiệu quả của sản phẩm OCOP ổi lê Đài Loan.
Vườn trồng ổi lê Đài Loan được công nhận OCOP của chị Đỗ Thị Chuyên, thôn Đanh Nội (Thanh Hương - Thanh Liêm).
Mặc dù, chất lượng cũng như đầu ra khá thuận lợi nhưng sản phẩm ổi lê Đài Loan của HTX nông sản sạch Đanh Nội vẫn đang gặp một số khó khăn, hạn chế. Hiện, đa số sản phẩm đang bán tại thị trường tự do, phần lớn cho khách hàng quen trong tỉnh. Do vậy, dẫn đến tình trạng giá bán thiếu ổn định theo từng thời điểm thu hoạch trong năm. Vào dịp lễ, Tết, ổi lê Đài Loan của HTX được bán với giá 30 nghìn đồng/kg, còn lại chủ yếu bán ở mức 15 – 20 nghìn đồng/kg. Cũng do bán tại thị trường tự do nên về cơ bản chưa được người sản xuất sử dụng tem nhãn truy suất nguồn gốc để tăng giá trị sản phẩm. Vì thế, ngay chính những khách hàng thường xuyên mua cũng không biết đây là sản phẩm OCOP, được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn…
Chị Phạm Thị Loan, người dân thôn Hòa Ngãi (Thanh Hà – Thanh Liêm) thường xuyên mua ổi lê Đài Loan của chị Chuyên chia sẻ: Loại ổi này thường được đưa về bán tại địa phương, ăn thấy ngon nên mua. Nếu sản phẩm được dán tem OCOP người tiêu dùng chúng tôi càng yên tâm hơn.
Thực tế, sản phẩm ổi lê Đài Loan đạt OCOP của HTX nông sản sạch Đanh Nội cũng như các sản phẩm OCOP khác đều được các cấp, ngành chức năng hỗ trợ tham gia các hội chợ, chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm cả trong và ngoài tỉnh. Thông qua những sự kiện này, nhiều khách hàng đã tìm mua sản phẩm, có một số cửa hàng, siêu thị tiếp cận tìm nguồn hàng.
Tuy nhiên, do chưa đáp ứng được yêu cầu về cung cấp ổn định lượng sản phẩm nên ảnh hưởng đến giá trị và đầu ra của sản phẩm. Về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Lực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hương cho biết: Mặc dù HTX được thành lập, nhưng các thành viên chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, sản phẩm chưa thể tiếp cận được với những đầu mối uy tín để nâng cao giá trị.
Như vậy, để sản phẩm ổi lê Đài Loan của HTX nông sản sạch Đanh Nội phát huy hiệu quả cần tiếp tục có sự thay đổi về tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung của mỗi thành viên trong HTX. Qua đó, giúp tạo sự gắn kết trong quảng bá, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm.