Lan tỏa giá trị văn hóa qua sản phẩm OCOP

Chia sẻ:

Tham gia chương trình OCOP, nhiều sản phẩm được tiếp thêm sức mạnh, có chỗ đứng trên thị trường, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập. Không những vậy, sản phẩm OCOP còn góp phần gìn giữ, lan tỏa nét văn hóa truyền thống địa phương.

“Người kể chuyện” văn hóa địa phương

Xã Hương Sơn (Lạng Giang) có gần 60% dân số là người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng…). Mỗi dịp Tết đến xuân về, lễ hội hoặc ngày trọng đại, người dân nơi đây đều làm xôi sắc màu, bánh gio, bánh gai… để thắp hương ông bà, tổ tiên. Với mong muốn lưu giữ, lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, UBND xã Hương Sơn đã giao Hội Nông dân xã hỗ trợ, hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác ẩm thực “Hương của Núi”. Năm 2023, sản phẩm xôi sắc màu của Tổ hợp tác được công nhận OCOP 3 sao.

 

Thành viên Tổ hợp tác ẩm thực "Hương của Núi" (Lạng Giang) chuẩn bị nguyên liệu làm xôi sắc màu.

Chị Hoàng Thị Thương, tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ, xôi sắc màu là một trong nhiều món ăn đặc sản của vùng quê Hương Sơn. Nguyên liệu chính từ gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm. Xôi có các màu: Đỏ, vàng, tím, xanh dương, xanh lá cây là màu tự nhiên của các loại hoa, quả, lá cây. Thành viên trong tổ còn làm sản phẩm cấp đông để phục vụ khách hàng ở xa và sử dụng lâu dài. Trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác sử dụng từ 3-4 tấn gạo nếp cái hoa vàng để làm xôi, thị trường tập trung tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội…

Góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực của địa phương, Tổ hợp tác thường xuyên mang sản phẩm đi trưng bày, quảng bá tại nhiều sự kiện ở trong và ngoài xã. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn phối hợp tổ chức cho học sinh tại các trường học trên địa bàn trải nghiệm, học cách làm món ăn này trong các tiết học ngoại khóa, giờ học tập gắn liền với lao động sản xuất.

Hiện huyện Lạng Giang có 27 sản phẩm OCOP. Bên cạnh xôi sắc màu, nhiều sản phẩm khác cũng chứa đựng những câu chuyện văn hóa truyền thống như dứa Hương Sơn được trồng tại địa phương từ những năm 60 của thế kỷ XX, nay nhờ người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên quanh năm cây cho trái ngọt thơm, căng mọng; thịt chưng mắm tép là món quà quê kết hợp từ thịt lợn sạch và mắm tép nguyên chất, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

 Sản phẩm OCOP, đặc trưng, tiêu biểu của huyện Hiệp Hòa được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm hội nghị tỉnh.

Sản phẩm OCOP, đặc trưng, tiêu biểu của huyện Hiệp Hòa được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm hội nghị tỉnh.

Vùng quê núi rừng Yên Thế cũng được nhiều người biết đến nhờ những câu chuyện văn hóa, đậm giá trị nhân văn do “người kể chuyện” là những sản phẩm OCOP truyền tải. Thịt lợn gác bếp Cao Lan của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan (bản Nghè, xã Xuân Lương) là một trong số đó. Trải qua bao thế hệ, món ăn này vẫn giữ được hương vị đặc trưng riêng nhờ bí quyết “cha truyền con nối”. Theo lời chia sẻ của giám đốc HTX, quá trình làm ra sản phẩm yêu cầu người làm cẩn thận, tỉ mỉ từng công đoạn; bắt đầu từ việc lựa chọn, thái đều những thớ thịt đến tẩm ướp gia vị 8 tiếng, sau đó treo lò trong 3 ngày liên tiếp. Nổi tiếng với hương vị thơm ngon, đặc trưng, hơn nữa được HTX đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá nên thịt lợn gác bếp Cao Lan “phủ sóng” ở nhiều cửa hàng, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Xây dựng câu chuyện sản phẩm khác biệt

Đến nay, toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch). Phần lớn sản phẩm mang tính đặc trưng; phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, làng nghề; có giá trị văn hóa sâu sắc.

Đến nay, toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (tăng 85 sản phẩm so với năm 2022, vượt 60 sản phẩm so với kế hoạch). Phần lớn sản phẩm mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, làng nghề và có giá trị văn hóa sâu sắc. Ví dụ như: Mỳ Chũ, vải thiều (Lục Ngạn); mỳ gạo Châu Sơn, vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức (Tân Yên); bún Đa Mai, kẹo chè lam, bánh phu thê (TP Bắc Giang); gà đồi, chè bản Ven, bánh khẩu sli (Yên Thế)... Yếu tố văn hóa truyền thống, đặc trưng vùng miền thường được thể hiện rõ nét qua câu chuyện sản phẩm.

Tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 12/100 điểm. Đặc biệt, Bộ tiêu chí còn bổ sung một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các yếu tố văn hóa của sản phẩm OCOP; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.

 Sản phẩm mỳ gạo Chũ Nam Thể đặc biệt của HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể (Lục Ngạn) được công nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm mỳ gạo Chũ Nam Thể đặc biệt của HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể (Lục Ngạn) được công nhận OCOP 3 sao.

Tuy nhiên qua thực tế chấm điểm, cơ quan đánh giá, phân hạng nhận định, nhiều chủ thể mới chỉ dừng lại ở việc nêu nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, công dụng mà chưa khai thác hết yếu tố văn hóa, lịch sử vùng miền. Theo Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT), nguyên nhân của vấn đề trên do phần lớn chủ thể tham gia là hộ sản xuất, HTX nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, chưa thực sự đầu tư vào việc xây dựng giá trị cốt lõi cho sản phẩm.

Khắc phục hạn chế trên, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm hỗ trợ chủ thể hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, phân hạng; trong đó tập trung xây dựng câu chuyện sản phẩm độc đáo, ý nghĩa. Tìm hiểu kinh nghiệm tại huyện Hiệp Hòa, năm 2024, toàn huyện có 32 sản phẩm đăng ký OCOP và đánh giá lại. Ngay từ sớm, huyện đã chỉ đạo đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào của người dân, cộng đồng về sản phẩm. Cùng đó tìm điểm khác biệt để giúp chủ thể kể câu chuyện sản phẩm hấp dẫn, đặc sắc, làm nên thương hiệu.

Đến thời điểm này, Tổ hợp tác trồng măng lục trúc xã Đồng Tân (Hiệp Hòa) đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký OCOP 3 sao năm 2024 đối với sản phẩm măng lục trúc Soi Quýt Đồng Tân. Sau nhiều lần được hướng dẫn, chỉnh sửa, câu chuyện về cây măng lục trúc trên mảnh đất cách mạng Hiệp Hòa đã hoàn thiện. Cách đây khá lâu, loài cây này được đưa về trồng tại vùng đồng đất lắng đọng phù sa từ sông Cầu, nơi có địa danh lịch sử bãi Soi Quýt. Măng lục trúc vươn lên mạnh mẽ như những chiến sĩ cách mạng kiên cường thuở nào. Ngoài giá trị dinh dưỡng, quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, câu chuyện về sản phẩm hấp dẫn đã thu hút nhiều khách hàng.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, một trong những kết quả nổi bật của Chương trình OCOP là bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Hiện tỉnh Bắc Giang đang phát triển sản phẩm OCOP theo một số nhóm sản phẩm ưu tiên như nông nghiệp; phi nông nghiệp; dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương; phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Bám sát định hướng, các địa phương quan tâm phát triển vùng nguyên liệu; đẩy mạnh chế biến sâu nâng giá trị sản phẩm; chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; gắn với hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch để tiêu thụ thuận lợi. Đồng thời xây dựng câu chuyện sản phẩm độc đáo, ý nghĩa, đậm đà bản sắc văn hóa địa phương để trước tiên là “bán” câu chuyện, sau đó bán sản phẩm.