Liên kết sản xuất nông nghiệp nâng cao đời sống nông hộ
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp
Hộ nông dân Phạm Minh Tĩnh ở buôn Ka Tam, xã xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có diện tích 1ha trồng cà phê liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng, mỗi năm thu lãi hơn 50 triệu đồng. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Thời gian qua, nông dân Đắk Lắk đã tích cực tham gia, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nông dân.
Hiệu quả từ liên kết sản xuất
Xác định tầm quan trọng của liên kết trong sản xuất, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp phát huy vai trò của kinh tế tập thể và liên kết chuỗi giá trị. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 114 chuỗi liên kết do UBND các cấp phê duyệt thực hiện, khoảng 10 chuỗi do doanh nghiệp tự liên kết với nông dân. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar) được thành lập vào tháng 8/2016 với 27 thành viên, đều là dân tộc Dao. Thời gian đầu, hoạt động hợp tác xã gặp nhiều khó khăn về vốn, thiếu trang thiết bị sản xuất, kinh nghiệm quản lý yếu… Hợp tác xã đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội nghị, hội chợ quảng bá sản phẩm. Từ những kiến thức nông nghiệp học hỏi được, người dân áp dụng vào sản xuất, cho vườn cây tốt hơn, năng suất ổn định và chất lượng được cải tiến. Đến nay, hợp tác xã hoạt động ổn định và hiệu quả. Kết quả lớn nhất mà hợp tác xã thu được là đã làm thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế tập thể, tái canh cà phê và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp. Nhờ liên kết các hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững, đời sống thành viên hợp tác xã không ngừng được nâng cao.
Ông Triệu Văn Phúc, thành viên Hợp tác xã cho biết, trước đây, gia đình ông sản xuất cà phê và hồ tiêu theo kinh nghiệm cá nhân, không đạt năng suất và sản lượng. Tham gia hợp tác xã, năm 2020, gia đình ông được hướng dẫn và áp dụng mô hình tái canh cà phê vối với hệ thống tưới nhỏ giọt. Bên cạnh đó, hợp tác xã hướng dẫn gia đình ông cách chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý sâu bệnh hại trên cây, trồng xen canh, bao tiêu đầu ra… giúp gia đình sản xuất hiệu quả, thu nhập tăng lên rõ rệt. Hiện nay, hơn 1 ha cà phê của gia đình ông Phúc cho sản lượng khoảng 4 - 5 tấn cà phê nhân, tăng gần 1,5 lần so với trước đây.
Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu cũng là đơn vị điển hình về liên kết sản xuất hiệu quả. Hợp tác xã được thành lập năm 2015, hiện có 49 thành viên chính thức và 300 thành viên liên kết; trong đó 90% thành viên là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hợp tác xã đã từng bước hướng dẫn thành viên và các hộ nông dân thay đổi tập quán canh tác, sản xuất sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế để bán với giá cao hơn, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu và hình thành chuỗi giá trị.
Chị H’Djuech Byă, thành viên Hợp tác xã cho biết, gia đình chị canh tác 1ha cà phê hơn 20 năm nay. Từ ngày tham gia Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, gia đình chị được tập huấn, tư vấn kỹ thuật miễn phí, tặng cây giống, bao tiêu đầu ra, giá thu mua cao hơn thị trường. Từ đó, kinh tế gia đình chị được nâng cao rõ rệt.
Chế biến đóng gói sản phẩm cà phê được sản xuất theo chứng chỉ FLO và theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng, xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hợp tác xã tổ chức sản xuất theo quy trình từ chăm sóc đến thu hái, sơ chế, bảo quản, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan… đạt chứng nhận FLO (Chứng nhận thương mại công bằng) cho bà con.
Thông qua hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, sản phẩm của hợp tác xã đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, đặt mua. Bên cạnh đó, hợp tác xã là thành viên Chi Hội cà phê đặc sản (Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột). Từ khi sản xuất cà phê đặc sản và tham gia các cuộc thi, thành viên hợp tác xã và nông dân liên kết đã dần thay đổi tư duy, nhận thức được trách nhiệm trong việc cùng hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với chuỗi giá trị tại địa phương.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 535 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 68,9% hợp tác xã toàn tỉnh. Từ liên kết sản xuất, chất lượng hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp từng bước được nâng cao, góp phần quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.
Mong manh sợi dây liên kết
Tại tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các chuỗi liên kết đã có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Các hợp tác xã đã làm đầu mối liên kết doanh nghiệp với nông dân sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô, chất lượng để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của các địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên khó khăn trong việc thực hiện các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, thiếu chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng. "Sợi dây liên kết" còn mong manh, thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro dẫn đến mối liên kết giữa nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp chưa thực sự bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu liên kết còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chế biến, thu hoạch nông sản…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, năm 2023, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã đẩy mạnh liên kết hợp tác; ký kết, liên kết với 4 sở, ngành trong tỉnh; ký kết với 3 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cả nước; ký kết với nhiều viện, trường đại học. Ngoài ra, đại diện ngành nông nghiệp tham gia các đoàn công tác của tỉnh, cùng với doanh nghiệp ký kết những bản ghi nhớ ban đầu để xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Ấn Độ. Tiếp đà thành công của năm 2023, năm 2024, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung sản xuất, tạo những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, có giá trị chất lượng cao. Đặc biệt, ngành đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết hợp tác, nâng cao chất lượng các hợp tác xã.
Mỗi năm, tỉnh Đắk Lắk phát triển thêm 50 - 70 hợp tác xã, đây là tiền đề thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, gắn với thực tiễn địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu, là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu, nhiều vùng cây trồng chủ lực mang giá trị kinh tế cao, xây dựng được các mối liên kết và hình thành các tổ chức kinh tế. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng dự án liên kết; nâng cao năng lực cho hợp tác xã và doanh nghiệp để thực hiện liên kết có hiệu quả. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác xã sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị có quy mô lớn; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp có tham gia chuỗi liên kết kết nối, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp…
Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng để tỉnh Đắk Lắk thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh nỗ lực của các bên, sự quan tâm của các sở, ngành, địa phương, thực tiễn cho thấy, muốn sản xuất hiệu quả, bền vững thì phải đảm bảo hài hòa về lợi ích của các nhân tố tham gia trong chuỗi giá trị. Việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng phải nghiêm túc, trách nhiệm.
Nguồn: baotintuc