Loay hoay 'bài toán' thiếu hụt nguyên liệu ở ngành thủy sản
Do nhiều vướng mắc, bất cập nên ngành thủy sản trong nước đang đối mặt tình cảnh thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên, thậm chí có tình trạng giành giật nguyên liệu sản xuất, làm hạn chế sức cạnh tranh khi xuất khẩu. Để không loay hoay trước 'bài toán' thiếu hụt này đòi hỏi cần có những giải pháp linh hoạt hơn.
Nói về vấn đề khó khăn thiếu hụt nguyên liệu của các doanh nghiệp (DN) thủy hải sản như hiện nay, ông Nguyễn Nam Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Huy Nam (ở tỉnh Kiên Giang), cho biết các DN cần sử dụng vốn vay lớn để tạm trữ nguyên liệu nhưng việc tiếp cận các gói vay ưu đãi vẫn rất khó khăn.
Thiếu hụt cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên
Theo ông Vinh, hầu hết các ngân hàng không chấp nhận thế chấp tài sản là các sản phẩm thành phẩm thủy sản. Bởi vì nó không phù hợp khẩu vị của ngân hàng, cũng như việc quản lý, kiểm tra, kiểm đếm, kiểm kê khó khăn, xác định giá trị khó khăn do không có các đơn vị thẩm định giá chuyên sâu.
Để không loay hoay trước “bài toán” thiếu hụt nguyên liệu đòi hỏi các DN thủy sản cần có những giải pháp linh hoạt hơn.
Ngoài ra, vị phó giám đốc này lưu ý một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến ngành đánh bắt thủy hải sản, đó chính là giá dầu ngày một leo thang. Theo như chia sẻ của chủ phương tiện đánh bắt, với tình hình giá dầu tăng, giá xuất khẩu (XK) hải sản giảm (thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023), đã có nhiều phương tiện đánh bắt tạm ngưng hoạt động.
Không chỉ vậy, như chia sẻ của ông Vinh, nghề cá còn phải đối mặt khai thác thiếu bền vững. Đây là một trong những trở ngại làm hạn chế sức cạnh tranh của ngành hàng thủy sản Việt Nam trên thế giới. Hơn nữa, biến đổi khí hậu làm cho hoạt động khai thác thủy sản trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Còn theo ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chế Biến Thủy Sản – Xuất Nhập Khẩu Việt Trường Seafood (ở Hải Phòng), đang có sự bất cân đối giữa nguồn lợi hải sản so với số lượng nhà máy được phép hoạt động trong mảng XK surimi (thịt cá xay) của Việt Nam. Nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào có hạn, ngày càng giảm sút, trong khi nhà máy cũ thiếu nguyên liệu sản xuất trong khi nhà máy mới vẫn mọc ra.
“Điều này dẫn đến tình trạng giành giật nguyên liệu sản xuất. Không những vậy, còn dẫn đến đẩy giá nguyên liệu lên cao làm tăng giá thành sản xuất, khiến cho DN thua lỗ”, ông Phương băn khoăn.
Vị giám đốc này chỉ rõ nguyên nhân là do chưa có quản lý nghề theo mùa vụ, đặc biệt là vào mùa sinh sản, khiến cho nhiều đối tượng đánh bắt hải sản ngày càng suy thoái, thậm chí là cạn kiệt. Trong khi đó, đa số các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều đã có việc kiểm soát khai thác, thậm chí cấm tàu bè ra khơi khai thác vào các thời điểm cá sinh sản (như Hàn Quốc, Nhật Bản…), cho nên Việt Nam cần tham khảo cách làm này.
Bên cạnh những chia sẻ nêu trên, các DN xuất khẩu thủy sản phản ánh đang gặp nhiều vướng mắc đối với các quy định mới về kiểm soát vùng nuôi, vùng khai thác, cam kết hộ dân, ngư dân, các giám sát. Đó là chưa kể hoạt động tuyên truyền việc sử dụng hóa chất cấm, kháng sinh hay kiểm soát môi trường nuôi trồng thủy sản còn nhiều thiếu sót.
Hơn nữa, Nhà nước chưa có các cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc, vùng nuôi, khai thác công khai và minh bạch, các quy định mới thay đổi thường không có tập huấn, hướng dẫn. Các văn bản chồng chéo, không rõ ràng, thậm chí không đồng bộ giữa các địa phương, ban ngành, dẫn đến DN vô tình hay bắt buộc phải làm sai lỗi, rủi ro cao.
Và việc thiếu hụt nguyên liệu cũng được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) nêu rõ tại hội nghị toàn thể hội viên 2024 diễn ra ở Tp.HCM mới đây. Theo đó, ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên.
Nhất là ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả DN và người nuôi thủy sản.
Trong khi đó, nguồn hải sản khai thác gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.
Chờ giải pháp linh hoạt hơn
Thực tế cho thấy do thiếu hụt nguyên liệu trong nước nên việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu là khó tránh khỏi với ngành thủy sản. Số liệu cập nhật mới nhất thể hiện trong tháng 5/2024 giá trị nhập khẩu thủy sản ước đạt 200 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 đạt 992 triệu USD.
Để hóa giải “bài toán” thiếu hụt đang đòi hỏi các DN thủy sản có những giải pháp linh hoạt hơn. Như chia sẻ của một giám đốc DN ở tỉnh Sóc Trăng trong lĩnh vực chế biến XK tôm, khoảng thời gian này cần hết sức chủ động cho tôm thương phẩm chế biến. Bởi là lúc thu hoạch tập trung các ao nuôi, và nhất là đã có các hợp đồng tiêu thụ sản lượng tôm nuôi đó.
Chính vì vậy, ngoài việc tập trung thu hoạch cho gần 300 ao nuôi còn lại đang có tôm (đã thu trên 100 ao nuôi), DN nêu trên còn chu toàn cho việc hoàn thiện hệ thống ao nuôi khu mới, nhất là hoàn tất thả nuôi vào cuối tháng 5 vừa rồi.
Và bước kế tiếp của công ty này là tập trung cho việc thả nuôi gần 400 ao khu vừa thu hoạch. Việc thả nuôi cuốn chiếu nhằm giảm áp lực công việc tập trung, đồng thời nhằm kéo dài thời gian thu hoạch để việc chế biến thuận tiện hơn.
Còn trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội cổ đông thường niên sẽ diễn ra vào hạ tuần tháng 6/2024, một “tên tuổi” trong ngành tôm là CTCP tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) cho biết, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì công ty đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng giá Ecuador.
Để làm được điều đó, công ty này sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể. Thứ nhất là hoàn thiện và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo công nghệ sinh học, phấn đấu đến năm 2035 sản xuất được 15 tỷ post (tôm giống). Thứ hai là hoàn thiện và đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ sinh học, phấn đấu trong các năm tới tự cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của mình.
Ngoài những chiến lược nêu trên từ phía DN, để không phải gặp nhiều vướng mắc về vấn đề nguyên liệu trong ngành thủy sản, giới chuyên gia cho rằng ở những địa phương có thế mạnh ở lĩnh vực này rất cần có giải pháp giúp các DN đẩy mạnh hợp tác với các hợp tác xã, người nuôi thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt là cần gỡ khó cho DN và người nuôi trồng thủy sản trong vấn đề tiếp cận vốn vay.
Đồng thời, nên hỗ trợ DN, người nuôi về quy trình kỹ thuật nuôi, chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, kiểm soát dịch bệnh, kỹ thuật bảo quản nguyên liệu sau khi thu hoạch. Hơn nữa, cần liên kết với chuỗi con giống, sản xuất thức ăn...hỗ trợ cho hoạt động nuôi. Nhất là các DN xuất khẩu nên tham gia nuôi trồng thủy sản với quy mô trang trại.