Mật ong OCOP Thức Dung - ngọt từ thiên nhiên

Chia sẻ:

Từ lâu, nghề nuôi ong lấy mật đã phát triển mạnh tại xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn). Với địa hình là vùng rừng núi tự nhiên, nguồn mật hoa dồi dào, nơi đây sở hữu điều kiện lý tưởng để nuôi ong. Mật ong ở xã Sơn Kim 2 có hương vị thơm ngon, chất lượng tốt, mang đậm nét đặc trưng của miền núi Hương Sơn.

bqbht_br_z5976668040016-91335645ce75df6534094d0cb9112876.jpg

Hiện gia đình bà Dung đang nuôi hơn 100 đàn ong.

Tuy nhiên, nghề nuôi ong tại xã Sơn Kim 2 vẫn mang tính tự phát nên còn manh mún, người dân ít quan tâm tới các yếu tố thương mại và xây dựng thương hiệu, sản phẩm chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong địa bàn… Từ những trăn trở đó, vợ chồng ông Nguyễn Trí Thức (SN 1956) - bà Trần Thị Kim Dung (SN 1957) trú ở thôn Chế Biến, xã Sơn Kim 2 đã quyết định đầu tư xây dựng sản phẩm mật ong OCOP.

Bà Dung cho biết: “Gia đình nuôi ong từ gần 20 năm trước nhưng chỉ nuôi với số lượng nhỏ lẻ vài chục đàn, sản phẩm mật ong chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh với giá cả khá thấp. Vì thế, sau nhiều trăn trở, năm 2020, vợ chồng quyết định đầu tư mua thêm ong giống, phát triển đàn ong của gia đình lên 100 đàn. Đến năm 2023, khi đàn ong phát triển tốt, gia đình tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc để sản xuất mật ong theo các tiêu chuẩn OCOP”.

Theo đó, gia đình bà Dung đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua các loại máy móc như: máy hạ thủy phần, máy hút chân không, máy ép nhiệt, bồn inox sang chiết mật ong…

bqbht_br_z5976666736182-63781da03a4c7e8203570b62af5db1db.jpg

Hệ thống máy hạ thủy phần được gia đình bà Dung đầu tư nhằm có thể xử lý mật ong sau thu hoạch một cách tốt nhất.

“Mật ong thô khi chưa qua chế biến thường lẫn nhiều tạp chất như: bụi, phấn hoa, lượng thủy phần (nước trong mật ong) còn cao (khoảng 28%)… nếu để lâu dễ lên men, bị chua và tạo khí gas. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ hạ thủy phần sẽ giúp giảm thiểu tạp chất và lượng nước trong mật ong, sản phẩm không phát sinh nấm mốc, mật đặc, vàng óng, không bị lên men… nên bảo quản được lâu hơn”, bà Dung cho hay.

Nhờ sự đầu tư bài bản, sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, tem nhãn… đạt chuẩn nên mật ong Thức Dung đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hương Sơn công nhận đạt OCOP 3 sao vào tháng 7/2024.

bqbht_br_z5976661720628-a9abc3615e060fd851e568eb1c77bebd.jpg

z5976662999335-84502f65be1a363dd9370f28ae07fa61.jpg

Sản phẩm mật ong Thức Dung được công nhận đạt chuẩn OCOP vào tháng 7/2024.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ năm 2023, vợ chồng bà Dung đã liên kết với 7 hộ nuôi ong khác trên địa bàn để thành lập Tổ hợp tác Mật ong Thức Dung. Các thành viên liên kết, thực hiện đồng bộ các quy trình: chăm sóc, nuôi ong và khai thác mật, sản xuất mật...

Hiện tổ hợp tác đang có hơn 400 đàn ong (riêng gia đình bà Dung có hơn 100 đàn), trung bình mỗi năm cung cấp hơn 4 tấn mật. Với giá bán khoảng 300 nghìn đồng/lít, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tổ hợp tác thu về gần 1 tỷ đồng lợi nhuận. Ngoài sản xuất mật ong, các hộ thành viên còn kinh doanh dụng cụ nuôi ong, bán thêm ong giống… để nâng cao thu nhập.

Ông Lê Văn Kỳ (thôn Chế Biến) - thành viên tổ hợp tác mật ong Thức Dung chia sẻ: “Gia đình tôi đang nuôi 50 đàn ong. Từ khi tham gia tổ hợp tác, mật ong của gia đình được bao tiêu sản phẩm nên tôi và các thành viên đều yên tâm gắn bó với nghề nuôi ong. Thời gian tới, gia đình tiếp tục nhân thêm đàn ong nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.

Ông Nguyễn Trí Thức (ở giữa) cùng các thành viên tổ hợp tác kiểm tra chất lượng mật trước khi thu hoạch.

Ông Nguyễn Trí Thức (ở giữa) cùng các thành viên tổ hợp tác kiểm tra chất lượng mật trước khi thu hoạch.

Việc được công nhận sản phẩm OCOP đã giúp mật ong Thức Dung khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. “Hiện nay, sản phẩm đã được tiêu thụ tại nhiều địa phương, trong đó chủ yếu là thị trường phía Nam. Hy vọng, với sự đầu tư bài bản về chất lượng, mẫu mã, sản phẩm mật ong Thức Dung tiếp tục mở rộng thêm ở các thị trường trong nước", ông Nguyễn Trí Thức chia sẻ.