Mở rộng kết nối, giao thương sản phẩm OCOP
Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX), hộ sản xuất. Đây được coi là đòn bẩy hữu hiệu giúp các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá, OCOP, dịch vụ và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Lãnh đạo Sở Công thương Cao Bằng và Lâm Đồng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, liên kết, phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa 2 địa phương.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 144 sản phẩm OCOP của 91 chủ thể, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm 3 sao, thuộc 4 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Để khai thác hiệu quả các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, những năm qua, Sở Công thương tham mưu tỉnh triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại; liên kết cung - cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố, giúp DN, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, giao thương hàng hóa, Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức các hội chợ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các địa phương thông qua ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) hoặc kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và tăng doanh thu cho DN, HTX trên địa bàn tỉnh. Ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, liên kết, phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh và mở rộng hợp tác về lĩnh vực khuyến công, xúc tiến thương mại; tăng cường thông tin trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như: bột gia vị hữu cơ, miến dong, thạch đen, gạo nếp hương Bảo Lạc, chiếu trúc, trà Kolia, trà giảo cổ lam, tinh dầu các loại, bún khô, lạp sườn, các sản phẩm làng rèn Phúc Sen, măng khô, nấm hương, mộc nhĩ, bánh khảo, bánh chưng, khẩu sli,...
Từ năm 2021 đến nay, Sở tham mưu tỉnh tổ chức 29 hội chợ, phiên chợ với trên 2.000 gian hàng, thu hút hơn 1.900 lượt DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia. Tổ chức 10 sự kiện, hội nghị trưng bày giới thiệu, kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh, tạo điều kiện cho hơn 200 lượt DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu trên 400 lượt sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng xuất khẩu, sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh.
Hỗ trợ 118 lượt DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại 38 hội nghị, chương trình kết nối cung cầu sản phẩm, hội chợ triển lãm thương mại trong nước. Hỗ trợ xây dựng 42 gian hàng với 166 sản phẩm trên Cổng thông tin giao dịch TMĐT Cao Bằng (caobangtrade.vn). Tổ chức 47 lớp tập huấn cho 1.940 lượt công chức, viên chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đồng bào dân tộc về TMĐT, phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet. Hỗ trợ 9 HTX nông nghiệp tham gia 37 kế hoạch liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia… Thông qua việc đẩy mạnh kết nối, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được liên kết tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị lớn trong toàn quốc. Các chủ thể sản xuất mở được hơn 300 gian hàng, đưa 330 sản phẩm nông sản đặc trưng, đặc hữu lên sàn TMĐT Postmart, trong đó có 65 sản phẩm đạt OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh.
Ông Lại Đức Thứ, Giám đốc HTX nông nghiệp Ba Sạch xã Hưng Đạo (Thành phố) cho biết: Thông qua các hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, tôi được làm quen với nhiều đơn vị, doanh nghiệp; được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; tìm kiếm, liên kết với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng… Từ đó, giúp tôi có nhiều ý tưởng mới, cách làm hay trong kinh doanh, tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn. Vì vậy, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động giao thương, tìm kiếm đối tác để mở rộng thị trường.
Các sản phẩm OCOP của Cao Bằng tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nông Văn Khương cho biết: Việc tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu của tỉnh tới các thị trường trong và ngoài nước được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa giữa Cao Bằng và các tỉnh, thành phố trong nước.
Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho các sản phẩm của địa phương ngày càng vươn xa hơn. Đẩy mạnh hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, doanh nghiệp chế biến và hệ thống doanh nghiệp phân phối để xây dựng các liên kết cung cầu một cách có hiệu quả và bền vững. Quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường TMĐT và các nền tảng công nghệ số để tạo chuỗi cung ứng khép kín, hướng đến phát triển bền vững.
Tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm, xúc tiến trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT và kết nối vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời, tăng cường việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp OCOP của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ngoài tỉnh để tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường cho sản phẩm.