Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, quan tâm, tháo gỡ khó khăn, khơi dậy nội lực để các mô hình KTTT, HTX phát triển hiệu quả. Nhờ đó, HTX trở thành điểm tựa vững chắc cho kinh tế hộ, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Sản phẩm của HTX chè Thành Nam, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn được trưng bày, giới thiệu tại gian trưng bày sản phẩm OCOP nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu tại phường Tiên Cát, TP Việt Trì.
Sát cánh, hỗ trợ thành viên
Theo Liên minh HTX tỉnh, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 428 HTX nông nghiệp, trong đó số HTX hoạt động hiệu quả đang ngày càng tăng do đã thích ứng được những điều kiện khắt khe của kinh tế thị trường. Bên cạnh sự nhanh nhạy trong thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng tối đa những lợi thế vùng, HTX còn làm tốt dịch vụ hậu cần, giữ thế chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, từng bước tạo thế mạnh về kinh tế cho HTX và thành viên.
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo thêm động lực cho các HTX phát huy tiềm năng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế. Đồng thời, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho các chủ thể HTX tham gia chương trình, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Sát cánh cùng thành viên, tổ chức chặt chẽ hoạt động sản xuất, tham gia trực tiếp từ khâu đầu đến khâu cuối của sản phẩm là thế mạnh của HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng.
Anh Đào Mạnh Đạt - Giám đốc HTX cho biết: Khi tham gia vào HTX, các thành viên HTX có điều kiện tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất bưởi theo quy trình VietGAP, ghi chép nhật ký canh tác để phục vụ truy xuất nguồn gốc... Các thành viên, hộ dân liên kết có điều kiện mở rộng diện tích, sản xuất theo quy trình thống nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm. Đến nay, HTX tiếp tục thực hiện chặt chẽ các quy định, đồng thời phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với HTX bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn, nỗ lực đổi mới tư duy, tìm hướng đi riêng, HTX chè Suối Reo, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn đã không ngừng lớn mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên. Từ ý tưởng liên kết phát triển sản xuất với du lịch kết hợp với các dịch vụ trải nghiệm, HTX đã đầu tư làng sinh thái Ngọc Đồng - mô hình sinh thái nông nghiệp nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, bản sắc văn hóa nơi đây... Dù mới đi vào hoạt động nhưng làng sinh thái Ngọc Đồng đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến nghỉ dưỡng, khám phá nét văn hóa, ẩm thực...
Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện có 11 thành viên, trong đó có 45,5% thành viên là người vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ việc phát triển các điểm, mô hình nhỏ lẻ, chưa tận dụng hết tiềm năng, đến nay các hộ thành viên HTX tham gia phát triển du lịch đã tạo sự liên kết, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trải nghiệm, hướng tới xây dựng điểm du lịch sinh thái ấn tượng tại địa phương.
Nhiều sản phẩm của HTX tham gia giới thiệu, quảng bá, phục vụ khách hàng tại các hội chợ thương mại của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả KTTT
Toàn tỉnh hiện có 601 HTX đang hoạt động, thu hút trên 107.000 thành viên tham gia. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX cơ bản ổn định, có tăng trưởng so với năm 2023. Doanh thu bình quân 6 tháng đầu năm ước đạt 2.263 triệu đồng/1 HTX, đạt 52,7% so với kế hoạch năm 2024, lợi nhuận bình quân ước đạt 183 triệu đồng/1 HTX. Hoạt động của các HTX đã tạo việc làm ổn định cho 5.993 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân đạt 4,8 triệu đồng/người/tháng.
Từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh tổ chức và phối hợp tổ chức 14 lớp tập huấn cho hơn 1.200 lượt học viên là cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX. Nội dung tập trung tuyên truyền Luật HTX năm 2023, phổ biến văn bản, chính sách mới; nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị HTX; kỹ năng tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, đàm phán, kết nối thị trường tiêu thụ; xây dựng nhãn hiệu tập thể, hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm...
Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ các HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông của tỉnh; giới thiệu kết nối, đưa sản phẩm của 40 HTX tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; kết nối các HTX với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống cửa hàng OCOP trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm; tổ chức, hỗ trợ 56 lượt HTX tham gia trưng bày, quảng bá 100 lượt sản phẩm tại hội chợ thương mại một số tỉnh, thành trong nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có 85 HTX triển khai các hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, 100 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất; có 127 sản phẩm của 78 HTX được đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng lên từ 15 - 20%.
Tiêu biểu như: Mì gạo Hùng Lô, chè Thành Nam, chè Long Cốc, chè Đá Hen, trà thảo mộc Liên Hoa Chi, trà thảo mộc Thanh Lâm... riêng mì gạo Hùng Lô, chè Thành Nam đã xuất khẩu sang thị tường Nhật Bản, Ả Rập Xê Út.
Các HTX tiếp tục thực hiện chặt chẽ quy chuẩn từ chất lượng đến bao bì đẹp mắt để sản phẩm OCOP ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên.
Tiếp thêm nguồn lực cho các HTX, Quỹ do Liên minh HTX tỉnh quản lý hoạt động hiệu quả và ổn định, đã giải ngân cho 9 dự án với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Qua kiểm tra dự án sau giải ngân cho thấy, các HTX, tổ hợp tác được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các chính sách đã giúp một số HTX khắc phục được khó khăn, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, khẳng định là nhân tố quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế của thành viên và phát triển kinh tế - xã hội. Tính liên kết giữa các thành viên trong HTX được tăng cường theo hướng cộng đồng, tương trợ để cùng phát triển, hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác được mở rộng.
Thực tế cho thấy, vai trò KTTT, HTX ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, cơ giới hóa được đầu tư, đưa vào phục vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Vũ Thị Minh Tâm- Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để mô hình KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của số HTX hiện có. Đồng thời quan tâm, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX để tạo động lực cho các HTX có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, đủ tiềm lực đứng vững trong kinh tế thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về KTTT, HTX; tham mưu cho các cấp xây dựng và triển khai các chương trình dự án, đề án phát triển KTTT, HTX.