Nâng hạng sản phẩm OCOP

Chia sẻ:

Để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng, nhiều địa phương đã và đang tập trung vào phân loại sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm nâng cao giá trị cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Việc thực hiện Chương trình OCOP đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên trong quá trình nhân rộng vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, ngoài vấn đề vốn còn cả vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

 

Các sản phẩm OCOP của các địa phương tham gia Chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại tại tỉnh Bến Tre, tháng 10 năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Các sản phẩm OCOP của các địa phương tham gia Chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại tại tỉnh Bến Tre, tháng 10 năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Được thành lập từ năm 2016 đến nay sản phẩm OCOP ống hút rau củ quả ECOS 5 sao của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sông Hồng (Đông Anh, Hà Nội) đã thực sự là cái tên quen thuộc với người tiêu dùng. Đáng chú ý, ống hút rau củ quả của HTX nông nghiệp Sông Hồng còn có nhiều đối tác đến từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... quan tâm và gần đây, HTX đã ký được hợp đồng với đối tác Đức cung cấp 500.000 - 1 triệu ống hút/tháng.

Sản phẩm OCOP có mặt tại nhiều chương trình xúc tiến thương mại của các địa phương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Ảnh: Quang Vinh.

Sản phẩm OCOP có mặt tại nhiều chương trình xúc tiến thương mại của các địa phương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Ảnh: Quang Vinh.

Sản phẩm OCOP chinh phục thị trường thế giới

Kể về quá trình hình thành sản phẩm ống hút rau củ quả ECOS 5 sao, ông Lê Văn Tám - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng chia sẻ, chứng kiến cảnh người nông dân thường xuyên rơi vào tình cảnh nông sản được mùa mất giá, trong khi đó rác thải nhựa đổ ra môi trường ngày càng nhiều, ông Tám đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất ống hút bằng các loại rau, củ sạch. Sau nhiều năm nỗ lực, tháng 12/2020, sản phẩm ống hút được làm từ rau, củ quả của HTX dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng đã được Hội đồng chấm điểm OCOP thành phố Hà Nội chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Sản phẩm ống hút làm từ rau, củ quả được một số đơn vị đưa vào sử dụng tại một số cơ quan, đơn vị và một số quán cà phê giải khát ở Hà Nội. HTX cũng đã có những đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Anh, Đức...

Câu chuyện thành công của sản phẩm ống hút rau củ quả ECOS 5 sao giờ không còn là hiếm mà khá phổ biến ở các địa phương. Đánh giá về hiệu quả của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo Quyết định 490 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho rằng, về mặt thương mại, có thể thấy các sản phẩm OCOP giai đoạn đầu, chủ yếu tập trung tại các thị trường nội địa, trong tỉnh hoặc là trong huyện. Nhưng hiện tại, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường cả nước và đã có những sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), số lượng các sản phẩm OCOP đang phát triển rất nhanh, tính đến nay cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, nếu như trước đây khách hàng chỉ nghĩ đến các sản phẩm có thế mạnh như gạo hay là các loại hạt, thì trong năm 2023, mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật, Úc; hay miến dong của Bình Liêu cũng sắp xuất khẩu sang châu Âu và châu Úc.

“Như vậy, các sản phẩm đã trở thành đại sứ và đặc sản truyền thống của Việt Nam, đã bắt đầu được bạn bè thế giới chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP. Điều đó cho thấy sự thay đổi căn bản về mặt chất lượng và các sản phẩm OCOP đã đáp ứng được” - ông Tiến đánh giá.

Sản phẩm bột sữa gạo lứt sinh thái của Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên (thành phố Phúc Yên) đạt hạng 4 sao. Ảnh: Hồng Chung.

Sản phẩm bột sữa gạo lứt sinh thái của Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên (thành phố Phúc Yên) đạt hạng 4 sao. Ảnh: Hồng Chung.

Gỡ nút thắt để OCOP rộng đường xuất khẩu

Thực hiện Quyết định 490 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng phương thức truyền thống qua hệ thống các điểm phân phối, hệ thống chuỗi siêu thị và cả phương thức thương mại điện tử. Đến nay theo thống kê, tại tất cả 63 tỉnh, thành đều có các điểm phân phối sản phẩm OCOP, ngay tại TP Hà Nội cũng có tới 89 điểm; tại Quảng Ninh cũng có tới 31 điểm. Những con số về mặt số lượng, chất lượng sản phẩm cũng như hệ thống phân phối đã cho thấy được sự tiếp cận của sản phẩm OCOP gần như phủ khắp trên địa bàn cả nước và đến với người tiêu dùng ở các cấp độ và các phân khúc thị trường khác nhau.

Mặc dù sản phẩm OCOP hiện nay đã dần có chỗ đứng ở thị trường nội địa cũng như thế giới song theo các chuyên gia kinh tế, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP còn những khó khăn nhất định như, sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nhất là khu vực đồng bào dân tộc, miền núi sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Về vấn đề này ông Đặng Quý Nhân - Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương (Bộ NNPTNT) cũng cho rằng, sản phẩm OCOP có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng, nhưng hạn chế hiện nay là sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa thực sự chủ động; hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc. Đây là hạn chế cần nhanh chóng khắc phục nếu như muốn đưa Chương trình OCOP đạt hiệu quả như mong muốn, trở thành mũi nhọn xuất khẩu.

Để sản phẩm OCOP cất cánh, theo ông Nhân, các chủ thể rất cần có cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp để thông tin, đào tạo nâng cao năng lực, đặc biệt là về đổi mới sáng tạo. Sự hỗ trợ sẽ hình thành các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc sắc, vừa đại diện cho cộng đồng bản địa lại đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Cùng với đó các sàn thương mại điện tử, các đơn vị cung ứng cần đồng hành cùng đơn vị quản lý của nhà nước, để hỗ trợ các chủ thể OCOP thông qua các khóa đào tạo, các kênh thông tin tuyên truyền nhằm giới thiệu rộng rãi các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Khi bản thân người tiêu dùng đã hiểu được giá trị của sản phẩm sẽ lan tỏa sản phẩm rộng hơn, nhanh hơn đến thị trường trong nước và quốc tế.

Ở góc độ địa phương, theo ông Bùi Huyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) cho biết, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng Chương trình OCOP là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thông qua chương trình này đời sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Cũng theo ông Huyên, hiện huyện có 21 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao, 17 sản phẩm 3 sao), góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo sự khởi sắc cho ngành nông nghiệp. Chính vì vậy năm 2024 huyện sẽ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, an toàn như VietGAP, GlobalGAP. Đối với các sản phẩm có thương hiệu trên địa bàn sẽ duy trì và nâng cao chất lượng, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm chưa được cấp.

“Việc thực hiện Chương trình OCOP đem lại hiệu quả kinh tế cao tuy nhiên để nhân rộng và triển khai Chương trình này gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó ngoài vấn đề vốn còn cả vấn đề đầu ra cho sản phẩm” - ông Huyên chia sẻ.

Đánh giá về chặng đường 5 năm triển khai Chương trình OCOP, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được của chương trình, cũng còn một số vấn đề cần tập trung tháo gỡ để chương trình phát triển ngày càng rộng khắp và hiệu quả. Theo đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là trong việc quan tâm chỉ đạo, bố trí kế hoạch, nguồn lực. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền cho chủ thể hiểu nhận thức rõ vấn đề; Làm rõ lợi ích khi tham gia OCOP. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ chủ thể về khoa học, công nghệ, nhất là về khâu sơ chế, chế biến. Cuối cùng là cần tăng cường giám sát chất lượng sản phẩm OCOP và chặt chẽ khâu chấm điểm, qua đó nâng cao được nhận thức của chủ thể để phát triển một cách bền vững.

Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm có vai trò rất quan trọng do đó các ngành, địa phương và chủ cơ sở sản xuất cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên. Đồng thời xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để mở rộng phát triển thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.

Tới nay, sản phẩm OCOP đã dần có chỗ đứng ở thị trường nội địa cũng như thế giới, song nhiều ý kiến cho rằng việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP còn những khó khăn nhất định, như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Do đó việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc. Đây là hạn chế cần nhanh chóng khắc phục nếu như muốn đưa Chương trình OCOP đạt hiệu quả, trở thành mũi nhọn xuất khẩu.