Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt
Đây là chủ đề của phiên hội thảo đầu tiên nằm trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam năm 2024 (VietShrimp 2024) diễn ra sáng ngày 20/3/2024 tại Cà Mau. Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Nguyễn Việt Thắng chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Đình Luân cho biết: Vấn đề giảm phát thải, xây dựng ngành nông nghiệp tuần hoàn như cam kết của Việt Nam tại COP26, 28 đang được triển khai tích cực. Đối với lĩnh vực thủy sản, ngành xuất khẩu chủ lực của cả nước càng phải khởi động sớm ngay từ đầu với những giải pháp, sáng kiến giúp nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu của thủy sản Việt Nam là thủy sản xanh. Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp, người dân chia sẻ sáng kiến góp phần đưa ngành tôm phát triển. Cục trưởng Cục Thủy sản mong muốn ngành tôm phải đồng hành cùng nhau, đi cùng nhau giữa các thành phần tham gia, đồng hành chia sẻ tạo sức mạnh trong ngành nuôi tôm.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân phát biểu khai mạc Hội thảo
Tiềm năng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thủy sản rất lớn trong đó có phụ phẩm từ con tôm. Làm thế nào để xử lý vấn đề cho tốt, góp phần gia tăng giá trị, giảm phát thải tăng giá trị cho người nuôi tôm rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, cách tổ chức thu gom phụ phẩm từ tôm với số lượng lớn vẫn còn khó, các hộ nông dân chưa làm được. “Do vậy, thay đổi nhận thức của người nuôi để tổ chức thu gom vỏ tôm lột trong quá trình nuôi, cung cấp cho các nhà máy chế biến sẽ góp phần gia tăng giá trị, giảm phát thải, tăng giá trị cho người nuôi tôm.” Ông Luân nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả đến từ Bộ Kế hoạch đầu tư, Tập đoàn Minh Phú, De Heus, Skretting Vietnam, Cargill, CTCP Việt Nam Food, Tomota trình bày tham luận.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Tiềm năng kinh tế tuần hoàn trong thủy sản rất lớn. Trong đó, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn: trong đó khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Vùng ĐBSCL chiếm 39,4 triệu tấn. Vùng Đông Nam Bộ 13,9 triệu tấn. Kiên Giang (lớn nhất ĐBSCL) với 5,7 triệu tấn/năm; An Giang chiếm 5,2 triệu tấn/năm. Tỷ lệ thu gom phụ phẩm thủy sản là 90%. Chế biến phụ phẩm thủy sản xấp xỉ 275 triệu USD vào năm 2020, trong khi đó, nếu khai thác hết bằng công nghệ cao có thể thu về 4 – 5 tỷ USD dùng để làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế, nông nghiệp, nhất là sản xuất nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi.
Ông Lê Quang Huy, Phó tổng Giám đốc Bộ phận tôm giống, nuôi tôm, công nghệ sinh học Tập đoàn Minh Phú
Tiếp đó, đại diện các tập đoàn lớn trong ngành Thủy sản đã nêu ra các giải pháp công nghệ góp phần thúc đẩy tuần hoàn cho giá trị tôm. Trong đó, ông Lê Quang Huy, Phó tổng Giám đốc Bộ phận tôm giống, nuôi tôm, công nghệ sinh học Tập đoàn Minh Phú đã chia sẻ giải pháp đến từ tập đoàn đó là BIO cho tôm sinh thái dựa vào các lợi khuẩn giúp phân giải chất hữu cơ và chất xơ thành thức ăn sinh học cho tôm giúp tăng sản lượng. Vi sinh quang hợp sẽ giúp hấp thụ và chuyển hóa khí độc gây hiệu ứng nhà kính. Kết quả thực tế đạt được đã góp phần hạn chế sử dụng hóa chất xử lý nước bằng hóa học. Tận dụng được chất thải từ nuôi tôm đã phục vụ lại các lĩnh vực trong nuôi trồng, giảm giá thành nuôi tôm.
Kết luận phiên Hội thảo đầu tiên, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân đánh giá cao phần trình bày tham luận từ các đơn vị, qua đó đã nêu bật được các giải pháp khác nhau, giúp phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giúp ngành tôm tôm dán nhãn xanh và hiệu quả giá trị tăng lên.