Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Chia sẻ:

Cuộc vận động (CVĐ) 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009 nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Sau 15 năm triển khai CVĐ, tỉnh Hà Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật, nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo doanh nghiệp, người dân. Từ đó, tạo tiền đề, động lực quan trọng để nâng cao chất lượng CVĐ trong thời gian tới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 100% các sở, ban, ngành đã hưởng ứng CVĐ bằng việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng là hàng Việt Nam. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn OCOP ngày càng được nâng cao.

Tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm đến 90% cơ cấu hàng hóa được bày bán. Đơn cử như tại siêu thị GO! Hà Nam, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng siêu thị đã tích cực hưởng ứng CVĐ bằng việc ưu tiên nhập bán đa dạng các mặt hàng Việt có chất lượng cao, từ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đến đồ gia dụng, hàng thời trang... Đặc biệt, siêu thị còn có nhiều kệ hàng bày bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và các địa phương trên cả nước như bún, phở, mì chùm ngây, sữa chua, sữa tươi thanh trùng Mộc Bắc Milk, kẹo lạc Cham Cham, bánh đa nem làng Chều (Hà Nam); mắm tôm (Thanh Hóa); bánh tráng ớt (Tây Ninh); bánh đa nem mật (Hà Tĩnh); mắm ruốc (Kiên Giang)...

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc siêu thị GO! Hà Nam cho biết: Giờ đây, người tiêu dùng cả nước nói chung, tại Hà Nam nói riêng rất ưa chuộng dùng hàng Việt Nam trong sinh hoạt hằng ngày. Theo đó, hệ thống siêu thị GO! trên cả nước cũng như GO! Hà Nam rất quan tâm nhập bán hàng hóa mang thương hiệu Việt. Trước khi đi vào hoạt động, GO! Hà Nam đã làm việc với Sở Công thương Hà Nam và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Nam để tìm hiểu, ký kết hợp tác đưa các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh vào phân phối tại siêu thị. GO! Hà Nam cam kết sẽ ưu tiên nhập bán sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh và luôn giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.

Sản phẩm trà sen của Hợp tác xã Hoàng Trà, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý được phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm trà sen của Hợp tác xã Hoàng Trà, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý được phân phối tại nhiều cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện CVĐ, tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của tỉnh... đóng góp quan trọng vào việc duy trì mức tăng trưởng của ngành thương mại. 8 tháng năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tổng cầu trong nước và thế giới sụt giảm mạnh nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh vẫn ước đạt gần 34.600 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 28.200 tỷ đồng, tăng 8,1%; tạo hiệu ứng tích cực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Điểm nhấn quan trọng trong triển khai thực hiện CVĐ là các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng CVĐ thông qua việc đầu tư ứng dụng công nghệ để cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu do sở, ngành chức năng tổ chức; đầu tư cho hoạt động quảng bá, giới thiệu, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội; mở rộng hệ thống phân phối tới các vùng nông thôn, khu, cụm công nghiệp...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện CVĐ vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa phát huy được nội lực cũng như khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ mặt trận và người dân; công tác giám sát, phản biện xã hội và đổi mới phương thức tuyên truyền của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa theo kịp yêu cầu thực tế…

Để nâng cao chất lượng CVĐ, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ký kết các chương trình phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh thực hiện CVĐ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, thực hiện phối hợp tổ chức các hội nghị, tọa đàm bàn giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng CVĐ; tổ chức các hội chợ thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CVĐ; phối hợp với các cơ quan truyền thông biên soạn và in ấn tài liệu tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh trong toàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền về CVĐ bằng hình thức cổ động trực quan; cung cấp tài liệu về kế hoạch triển khai, nâng cao chất lượng CVĐ cho các tổ chức thành viên của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh, ban công tác mặt trận tại các khu dân cư để tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp dân, sinh hoạt thôn, tổ dân phố, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể...

Đồng chí Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình, đề ra các giải pháp phù hợp, thiết thực để nâng cao chất lượng CVĐ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện CVĐ theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng và sử dụng hàng Việt.

Tích cực hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung cần triển khai thực hiện trong thời gian tới, trọng tâm là khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện CVĐ; quảng bá, nhân rộng các mô hình sản xuất, sản phẩm hàng hóa chất lượng cao do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. Đồng thời, lồng ghép thực hiện CVĐ vào các phong trào thi đua yêu nước như: Hội phụ nữ với phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; đoàn thanh niên với cuộc vận động “Thanh niên Việt Nam đồng hành cùng hàng Việt Nam”...

Ngoài ra, các hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng sẽ quan tâm hơn đến việc tổ chức vinh danh những doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện đổi mới sáng tạo để hàng hóa, thương hiệu Việt phát triển; kêu gọi, vận động các doanh nghiệp thành viên tích cực tham gia chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”… để CVĐ ngày càng lan tỏa sâu rộng và góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường.